Ông Biden khó thuyết phục châu Âu rắn với Nga, Trung Quốc

Một trong những ưu tiên quan trọng mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề ra là sẽ củng cố lại quan hệ với châu Âu và hướng các đồng minh ở châu lục này hành động cùng mục tiêu với Mỹ: Đối phó Nga và Trung Quốc (TQ).

Từ trái qua: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (hàng trên), Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (hàng dưới) tại hội nghị trực tuyến ngày 30-12-2020 nhằm thống nhất một thỏa thuận
đầu tư giữa Trung Quốc và EU. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Có thể thấy ông Biden đã có nhiều bước đi nhanh chóng, dễ dàng hướng tới mục tiêu hòa giải và đoàn kết với châu Âu, trong đó có tái tham gia thỏa thuận khí hậu Paris, nhấn mạnh tính đa phương, cam kết tái tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, để hướng châu Âu sát cánh với mình cùng chống Nga và TQ là mục tiêu khó hơn nhiều với ông Biden. Tờ New York Times cũng cho rằng ông Biden khó mà như ý, vì châu Âu lúc này muốn có một quan hệ cân bằng hơn với Mỹ, nhiều đối thoại và ít mệnh lệnh hơn.

Châu Âu khó cứng rắn với Nga như ý Mỹ

Ngày 2-3, Mỹ thông báo trừng phạt bảy quan chức cấp cao Nga và 14 thực thể Nga liên quan vụ nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc. Trước đó, cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng thông báo trừng phạt bốn quan chức Nga vì vụ bắt ông Navalny. Nhìn bên ngoài thì có vẻ bước đi của EU thống nhất với Mỹ, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng trừng phạt của EU với các biện pháp cấm đi lại và đóng băng tài sản phần nhiều chỉ mang tính tượng trưng vì quan chức Nga không gửi tiền ở các ngân hàng EU và ít đi lại đến khối này.

Nói với hãng tin Sputnik ngày 3-3, nghị sĩ Waldemar Herdt, thành viên Ủy ban Các vấn đề đối ngoại Quốc hội Đức, nhận xét “phản ứng của EU là rất kiềm chế khi chỉ trừng phạt một số cá nhân và không hoàn toàn đi theo viễn cảnh mà Mỹ và dàn lãnh đạo mới của Mỹ vạch ra”, bất kể áp lực ngày càng tăng từ chính phủ ông Biden để EU đi theo các hướng dẫn chính sách đối ngoại của Mỹ.

Về chuyện vì sao EU không mạnh tay với Nga, New York Times giải thích: Dù có bất mãn thế nào đi nữa, với các nước châu Âu thì Nga vẫn là một láng giềng có vũ khí hạt nhân và cả tiềm lực kinh tế. New York Times nhắc lại: Hai tuần sau khi Tổng thống Biden nhậm chức, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai nói về tầm quan trọng của việc đối thoại với Nga, vì theo ông, việc Nga là một phần của châu Âu là điều không thể lảng tránh. Trong khi đó, đối tác ngoại giao đáng tin cậy nhất của Mỹ ở châu Âu là Anh đã rời khỏi EU. Điều này càng làm lỏng lẻo hơn quan hệ giữa Mỹ và EU.

Đối đầu Mỹ nhưng Trung Quốc là đối tác của EU

Theo New York Times, không chỉ với Nga, Mỹ cũng sẽ không dễ thuyết phục các đồng minh châu Âu cùng lập mặt trận đối phó TQ.

Còn nhớ ngày 30-12-2020, chỉ vài tuần trước khi ông Biden nhậm chức, EU ký một thỏa thuận đầu tư quan trọng với TQ. Đáng lưu ý là diễn biến này xảy ra chỉ vài ngày sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan lên tiếng rằng nên “có sự tham vấn sớm với các đối tác châu Âu về các quan ngại chung liên quan đến các hoạt động kinh tế của TQ”. Rõ ràng, lời của ông Sullivan đã không được châu Âu lưu tâm.

Các chính sách thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đã buộc EU vào sự lựa chọn không thoải mái với TQ. Vì chủ trương ngoại giao “chiến binh sói” của TQ, EU lo ngại về tương lai của việc TQ đầu tư vào châu lục mình nhưng cũng buộc phải tìm cách thoát ra khỏi thế kẹt khi Mỹ và TQ đối đầu nhau. TQ là đối thủ của Mỹ nhưng là đối tác thương mại sống còn của châu Âu. Nhiều nước thành viên EU phụ thuộc vào TQ, dù mức độ có khác nhau.

Trong năm 2019, EU từng cho biết mình xem TQ đồng thời vừa là một đối tác hợp tác, một bên cạnh tranh về kinh tế và một đối thủ mang tính hệ thống. EU cũng kêu gọi trong khối cùng thống nhất một cách tiếp cận TQ linh hoạt và thực dụng dựa vào quyền lợi và giá trị của khối. Ông Armin Laschet, được cho sẽ kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel, lại có quan điểm mềm dẻo với TQ lẫn Nga.

Theo New York Times, từ các diễn biến trên có thể thấy châu Âu có các định hướng riêng về chuyện ứng xử với hai đối thủ chính của Mỹ và điều này sẽ làm phức tạp chuyện ngoại giao của ông Biden. Hay nói cách khác, dù Mỹ có dàn lãnh đạo mới thì hướng đi của EU với Nga và với TQ cũng không nhất thiết tương thích với các mục tiêu của ông Biden. Điều này là một thách thức khi ông Biden đặt mục tiêu tái thiết quan hệ với EU sau thời gian dài không tốt đẹp dưới thời người tiền nhiệm Trump.

Sau thời gian quan hệ (Mỹ - EU) nguội lạnh dưới thời ông Trump, tôi nghĩ quan hệ sẽ ấm hơn. Nhưng tôi chưa nhìn thấy.

Nhà phân tích cấp cao ULRICH SPECK (Đức) 

Theo tin từ đài NBC News, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đã gửi thư đến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, yêu cầu chính phủ Tổng thống Joe Biden cập nhật thông tin về chuyện trừng phạt Nga liên quan đến dự án xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 ở châu Âu.

Nord Stream 2 sẽ giúp Nga tăng gấp đôi lượng khí tự nhiên dẫn qua Đức - điều Đức đang rất cần trong quá trình nước này chuyển đổi từ năng lượng than đá và hạt nhân sang năng lượng tái tạo. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định dự án hoàn toàn là vấn đề thương mại và không nên bị trở thành một mục tiêu địa chính trị hay gắn nó với các lo ngại nhân quyền. Tuy nhiên, Mỹ và một số quốc gia Trung và Đông Âu nhiều năm nay phản đối kịch liệt dự án này, cho rằng điều này sẽ khiến châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, cũng như sẽ phải chịu áp lực kinh tế lẫn chính trị từ chính phủ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo NBC News, chủ trương của Đức đến lúc này vẫn muốn chính phủ ông Biden kiềm chế trừng phạt Nga liên quan dự án này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm