Ông Blinken: 'Mỹ không có người bạn nào tốt hơn Đức'

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Đức là đối tác và “người bạn” thân thiết nhất của chính quyền Washington, đài DW đưa tin.

Ngày 23-6, ông Blinken đã tới sân bay Berlin Brandenburg, bắt đầu chuyến công du Đức. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ đã lần lượt đối thoại trực tiếp với người đồng cấp nước chủ nhà Heiko Maas và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Cùng ngay, trong cuộc họp báo chung ở Berlin, ông Blinken nói: “Tôi nghĩ rằng thật công bằng khi nói trên thế giới, Mỹ không có đối tác nào tốt hơn, người bạn nào tốt hơn Đức”. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) trong buổi họp báo chung ở Berlin hôm 23-6. Ảnh: AP

Chuyến công du này là lần thứ hai chỉ trong một tuần ông Blinken tới các nước châu Âu. Trước đó, ông Blinken đã tháp tùng Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tám ngày công du châu Âu.

Sau cuộc chuyển giao quyền lực hồi đầu năm nay tại Nhà Trắng, Mỹ đã nhanh chóng nhấn mạnh ý tưởng về một khởi đầu mới trong quan hệ với Đức. Ông Biden nói rằng mối quan hệ này đang “mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.

Bà Merkel nhấn mạnh rằng dù vẫn còn một số bất đồng, Mỹ và Đức “phải luôn duy trì các kênh đối thoại cởi mở”.

2 ngoại trưởng Mỹ, Đức thảo luận về Iran, dự án Nord Stream 2

Trong buổi họp báo chung trước đó giữa hai Ngoại trưởng Blinken và Maas, ông Maas nói rằng ông đã nhìn thấy một cơ hội tốt để kết thúc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran dù thừa nhận điều này “không dễ dàng”.

“Chúng ta đang tiến từng bước trong mọi vòng đàm phán và chúng tôi cho rằng trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Iran, có một cơ hội tốt để kết thúc đàm phán trong tương lai gần” - ông Maas nói.

Ông Maas nói rằng vẫn còn “một số câu hỏi kỹ thuật cần giải quyết” nhưng việc duy trì một cuộc đàm phán trong một thời gian dài như vậy vẫn là nỗ lực “xứng đáng” nếu khôi phục được thỏa thuận hạt nhân Iran.

Về dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) mà Đức hợp tác với Nga, Ngoại trưởng Mỹ một lần nữa nhấn mạnh quan điểm của Washington rằng dự án này làm suy yếu an ninh của Ukraine - quốc gia đã chuyển hướng chính sách, rời xa Nga sau cuộc đảo chính hồi năm 2014.

“Mục tiêu của chúng tôi vẫn là đảm bảo rằng Nga không thể sử dụng năng lượng như một công cụ cưỡng chế, như một vũ khí, chống lại Ukraine hoặc bất kỳ ai khác ở châu Âu” - ông Blinken nói.

Tháng trước, Mỹ đã loại các thực thể và cá nhân Đức ra khỏi danh sách bị trừng phạt liên quan tới dự án Nord Stream 2. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng việc tiếp tục trừng phạt phía Đức sẽ gây hại cho quan hệ giữa hai nước trong khi dường như không còn cơ hội ngăn cản dự án này.

“Đức và Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh chống lại bất kỳ hành động nguy hiểm hoặc khiêu khích nào của Nga, cho dù đó là xâm phạm lãnh thổ Ukraine, bỏ tù (nhân vật đối lập) Alexei Navalny hay lan truyền thông tin sai lệch tới các nền dân chủ của chúng ta” - Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Theo DW, Mỹ và Đức ngay trong tuần này có thể sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt Belarus sau các cáo buộc gian lận bầu cử, đàn áp người biểu tình và vụ buộc máy bay hạ cánh khẩn cấp để bắt giữ nhân vật đối lập Roman Protasevich.

Cùng ngày 23-6, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã sang tới Washington, bắt đầu chuyến thăm Mỹ. Thủ tướng Đức Merkel đã lên kế hoạch thăm Washington từ ngày 15-7, có thể là chuyến công du Mỹ cuối cùng có nhà lãnh đạo này trước khi bà hết nhiệm kỳ vào cuối năm nay. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm