Ông Duterte từng yêu cầu TQ 'để yên cho ngư dân mưu sinh'

Theo báo Inquirer, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 3-5 cho biết đã từng đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “để người dân Philippines đánh cá trong hòa bình ở biển Tây Philippines (cách Philippines gọi phía đông Biển Đông)”.

Phát biểu trong cuộc họp báo được phát sóng hôm 3-5, ông Duterte cho biết: “Tôi đã nói với ông Tập: 'Chúng tôi không muốn tranh cãi. Vì vậy, hãy để ngư dân của chúng tôi yên ổn vì họ cần phải mưu sinh’”.

Ông Duterte từng yêu cầu TQ 'để yên cho ngư dân mưu sinh'. Ảnh: INQUIRER

“Người dân Philippines cần mưu sinh và quý vị không biết về thực tế đó. Vì vậy, vui lòng hãy để ngư dân của chúng tôi đánh cá trong hòa bình. Do đó, không có lý do gì để tranh cãi. Nếu phát sinh vấn đề, quý vị có thể trao đổi với chúng tôi và chúng tôi sẵn sàng đối thoại để giải quyết vấn đề” - ông Duterte nhấn mạnh.

Theo Inquirer, ông Duterte đưa ra yêu cầu với Trung Quốc vài tuần sau khi Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về Biển Tây Philippines (NTF-WPS) báo cáo về sự hiện diện của hơn 200 tàu Trung Quốc – được cho là do lực lượng dân quân biển điều khiển – tại khu vực đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Trái ngược với tuyên bố của chính quyền Trung Quốc, các tàu Trung Quốc trong khu vực tranh chấp không phải là tàu cá vì một trong những tàu bị phát hiện thực chất là tàu lớp Houbei mang tên lửa, Inquirer đưa tin.

Điều này được cho là đã ảnh hưởng đến việc ra khơi của ngư dân Philippines, khiến chính phủ nước này phải triển khai các tàu để đảm bảo an toàn cho ngư dân của mình.

Phát biểu của ông Duterte hôm 3-5 cũng là một phần trong phản ứng của ông trước những lời chỉ trích của cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonio Carpio rằng ông không ưu tiên lợi ích của Philippines ở Biển Đông. 

Liên quan căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh tại Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 3-5 đã đăng tải dòng trạng thái trên trang Twitter yêu cầu các tàu của Trung Quốc rút ra khỏi vùng biển tranh chấp.

Yêu cầu trên được đưa ra sau các cuộc phản đối của Manila đối với điều mà họ gọi là sự hiện diện "bất hợp pháp" của hàng trăm tàu thuyền Trung Quốc bên trong khu vực mà Philippines cho là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình.

"Trung Quốc, bạn của tôi, làm sao để tôi có thể nói điều này một cách lịch sự nhỉ? Xem nào, các ông hãy cuốn gói ngay đi" - trích dòng tweet trên tài khoản cá nhân của ông Locsin.

Kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhậm chức vào năm 2016, Manila đã gửi tổng cộng 78 công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc liên quan sự hiện diện phi pháp và kéo dài của các tàu nước này ở Biển Đông.

Yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, đã bị Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ vào năm 2016.

Trong tuyên bố, Tòa cho biết "đường chín đoạn" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý, đồng thời Trung Quốc "không có quyền lịch sử" tại Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay luôn phủ nhận và không tuân thủ phán quyết.

Trung Quốc có thể đe dọa Mỹ tới mức nào?
Trung Quốc có thể đe dọa Mỹ tới mức nào?
(PLO)- Thách thức với Mỹ không hẳn nằm ở việc đối phó Trung Quốc, mà quan trọng hơn Washington cần hiểu biết một cách tổng thể và thực chất về các mối đe dọa từ Bắc Kinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm