Ông Kim Jong-un ra tiền tuyến

Ngày 11-3, tức ngày đầu tiên quân đội Hàn-Mỹ tập trận, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đến thăm đơn vị biên phòng trên đảo Wolnae, sát đảo Baengnyeong của Hàn Quốc, trong đó có một đơn vị pháo tầm xa. Ông tuyên bố chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào và kêu gọi các đơn vị cảnh giác cao độ.

Đảo Baengnyeong báo động

Thông tấn xã KCNA (CHDCND Triều Tiên) đưa tin ông Kim Jong-un khẳng định mục tiêu đầu tiên của Hàn Quốc sẽ bị tấn công là đảo Baengnyeong. Ông chỉ thị khi mệnh lệnh đã ban bố, các đơn vị phải “bẻ gãy xương sống kẻ thù, cắt cổ và chứng tỏ cho kẻ thù biết chiến tranh thực sự là gì”.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin chính quyền trên đảo Baengnyeong đã báo động cho toàn bộ dân trên đảo và đã chuẩn bị sẵn sàng hầm trú ẩn cho dân. Dân chúng có sợ hãi nhưng cảnh ồ ạt bỏ đảo chạy vào đất liền chưa xảy ra.

Ngày 12-3, Ủy ban Thống nhất hòa bình tổ quốc (CHDCND Triều Tiên) tuyên bố từ giờ phút này, Mỹ và Hàn Quốc phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tất cả hậu quả thảm khốc nào vì đã tổ chức tập trận chung.

Ông Kim Jong-un ra tiền tuyến ảnh 1

Ngày 11-3, lãnh đạo tối cao Kim Jong-un đến thăm đơn vị pháo binh tầm xa thuộc đơn vị 641 trên đảo Wolnae. Ảnh: KCNA/REUTERS

Tuyên bố nói các cuộc tập trận nhằm chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân và CHDCND Triều Tiên xem cuộc tập chung Hàn-Mỹ mang tên Quyết tâm then chốt là lời tuyên bố chiến tranh rõ ràng đối với CHDCND Triều Tiên.

Trước đó, ngày 8-3, ông Kim Jong-un đã từng tuyên bố quân đội CHDCND Triều Tiên đã sẵn sàng tiến hành chiến tranh tổng lực. Ngày 10-3, ông tiếp tục đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh nhiệt hạch và Mỹ sẽ bị giáng trả hạt nhân ngăn chặn.

LHQ: Thỏa thuận ngừng bắn còn hiệu lực

Ngày 12-3 (giờ địa phương), người phát ngôn tổng thư ký LHQ Martin Nesirky tuyên bố thỏa thuận đình chiến năm 1953 giữa hai miền Triều Tiên này vẫn còn hiệu lực. Ông nói CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đều không thể đơn phương chấm dứt thỏa thuận vì thỏa thuận được Đại hội đồng LHQ thông qua.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố thỏa thuận đình chiến năm 1953 vẫn còn hiệu lực và yêu cầu CHDCND Triều Tiên rút lại lời đe dọa. Theo hãng tin Yonhap, người phát ngôn nói Hàn Quốc sẽ củng cố phối hợp với Mỹ và Trung Quốc để ứng phó cứng rắn với bất kỳ toan tính nào hủy thỏa thuận đình chiến của CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, một nguồn tin giấu tên từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết ưu tiên cao nhất hiện nay của Bộ là bảo đảm an toàn cho công dân Hàn Quốc làm việc ở Khu công nghiệp chung Kaesong tại CHDCND Triều Tiên.

Nguồn tin cho biết Bộ đã xây dựng kế hoạch khẩn cấp để ứng phó với các diễn biến bất ngờ. Bộ đã chỉ thị văn phòng đại diện của Hàn Quốc ở Khu công nghiệp Kaesong phải báo cáo về Seoul ngay lập tức nếu người dân CHDCND Triều Tiên có thái độ lạ.

Nguồn tin nói Hàn Quốc vẫn sẵn sàng viện trợ nhân đạo cho CHDCND Triều Tiên để xây dựng lòng tin lẫn nhau nhưng hiện tại chưa thể đưa ra kế hoạch viện trợ vì căng thẳng giữa hai nước.

Mỹ đối phó toàn lực

Tại Mỹ, ngày 11-3 (giờ địa phương), cố vấn an ninh tổng thống Tom Donilon cảnh báo nếu CHDCND Triều Tiên tiến hành tấn công hạt nhân, Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh toàn lực để đối phó.

Phát biểu với báo Asia Society ở New York, cố vấn Tom Donilon nói Mỹ sẽ không đứng yên trước động thái theo đuổi tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Một mặt ông kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán, mặt khác ông cảnh báo Mỹ sẽ không chấp nhận trò chơi “hứa suông” và “đe dọa” của Bình Nhưỡng (ám chỉ CHDCND Triều Tiên từng cam kết ngừng phát triển hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực).

Ông nhấn mạnh Tổng thống Obama từng nhiều lần khẳng định Mỹ sẵn sàng giúp đỡ những ai thả lỏng “nấm đấm”, do đó Mỹ sẵn sàng giúp đỡ CHDCND Triều Tiên phát triển kinh tế nhưng Bình Nhưỡng phải nghiêm túc từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ông kêu gọi Trung Quốc tiến hành cô lập CHDCND Triều Tiên. Ông đã lấy Myanmar làm ví dụ điển hình về nhận viện trợ của Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố thỏa thuận đình chiến năm 1953 giữa hai miền Triều Tiên trong 60 năm qua đã bảo đảm an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Bà ghi nhận sự kiện Bình Nhưỡng tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận đình chiến là vấn đề có liên quan đến Mỹ.

Ông Christopher Hill, nguyên đặc sứ Mỹ phụ trách đàm phán hạt nhân với CHDCND Triều Tiên thời Tổng thống George W. Bush, nhận định thái độ cứng rắn của Bình Nhưỡng nhằm củng cố vị thế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước người dân và thách thức cả Trung Quốc. Ông nhận định không có dấu hiệu xung đột sắp xảy ra.

Bốn quan chức cấp cao và Ngân hàng Ngoại thương của CHDCND Triều Tiên đã bị cấm giao dịch kinh doanh với mọi cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức ở Mỹ. Ngày 11-3 (giờ địa phương), Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo ba quan chức CHDCND Triều Tiên mới được bổ sung vào danh sách trừng phạt gồm có Cục trưởng Cục Công nghiệp đạn dược Pak To-Chun, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Chu Kyu-Chang và Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng O Kuk-Ryol. Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ bổ sung vào danh sách trừng phạt Ngân hàng Ngoại thương CHDCND Triều Tiên và Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số 2 Paek Se-Bong. Bốn cá nhân và ngân hàng trên có liên quan trực tiếp đến hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của CHDCND Triều Tiên.

DUY KHANG - LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm