Ông Pompeo đến Trung Đông nhằm gia tăng ‘áp lực’ lên Iran

Ngày 23-11, kênh Channel News Asia đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thực hiện chuyến công du đến các quốc gia đồng minh trong khu vực Trung Đông để củng cố chính sách “gây áp lực tối đa” lên Iran, khiến cho ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden khó có thể quay lại đàm phán được.

Khi nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Donald Trump sắp kết thúc, ông Pompeo đã xem xét đưa quốc gia Hồi giáo này trở thành trọng tâm chính trong chuyến đi của mình.

Trong khi ông Joe Biden, người được truyền thông đưa tin là tổng thống đắc cử, đã ra tín hiệu nối lại đàm phán ngoại giao với Iran, ông Pompeo lần nữa khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo là mối đe dọa hàng đầu khu vực trong chuyến thăm Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia.

“Chính quyền của ông Trump... vẫn còn hiệu lực cho đến ngày 20-1-2021 và ông sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách của mình” - một quan chức cấp cao đi cùng ông Pompeo cho biết trong chuyến dừng chân ở Abu Dhabi.

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Washington có thể sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran trong thời gian tới

Những nỗ lực cuối cùng của ông Trump được cho là nhằm gây khó khăn cho chính quyền mới của ông Joe Biden trong việc đưa Mỹ quay trở lại Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA).

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Jerusalem, ngày 18-11. Ảnh: AFP

Vào ngày 22-11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã gửi một thông điệp đến ông Biden và kêu gọi không nên quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, theo hãng tin Reuters.

“Không thể quay trở lại thỏa thuận hạt nhân trước đó. Chúng ta phải tuân theo chính sách ‘không khoan nhượng’ nhằm đảm bảo Iran không phát triển vũ khí hạt nhân” – ông Netanyahu nói trong một bài phát biểu.

Thủ tướng Israel không đề cập trực tiếp đến ông Biden. Thế nhưng, giới truyền thông Israel đã diễn giải tuyên bố trên như một thông điệp gửi đến tổng thống Mỹ tiếp theo rằng đừng đưa Washington quay lại thỏa thuận.

Trước đó, ông Biden cho biết sẽ đưa Mỹ quay lại với hiệp định nếu Iran đồng ý tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết trong thỏa thuận. Đồng thời, ông sẽ hợp tác với các quốc gia đồng minh để “đẩy lùi các hành vi gây bất ổn trong khu vực của Iran”.

Vào năm 2018, Tổng thống Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, và áp đặt lại các lệnh trừng phạt khắc nghiệt lên chính quyền Tehran.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm