Ông Putin sẽ hòa với phương Tây vì kinh tế?

Ngày 6-5, ông Vladimir Putin chính thức nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống Nga thứ tư. Lễ nhậm chức tại điện Kremlin ngày 7-5 giản dị hơn nhiều so với lễ nhậm chức của ông Putin sáu năm trước. Nhiệm kỳ sáu năm tới của ông Putin bắt đầu trong bối cảnh Nga gặp nhiều khó khăn trong đối nội, đồng thời đang đối đầu với phương Tây ở nhiều mặt trận.

Theo thông tin từ nội bộ chính phủ Nga và nhận định của nhiều chuyên gia thì khả năng lớn ông Putin sẽ có thay đổi về đường lối đối ngoại để đáp ứng các mục tiêu đối nội.

Hứa hẹn nào cho người dân Nga?

Họp nội các một ngày trước khi nhậm chức, Tổng thống Putin tuyên bố tăng thu nhập cho người dân sẽ là một nhiệm vụ chính của chính phủ Nga. Sau khi thắng cử hồi tháng 3-2018, ông Putin đã hứa sẽ tăng chi tiêu cho y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng.

Trong thông cáo ngày 7-5, ông Putin tự tin chính phủ Nga sẽ đạt được mục tiêu này khi kinh tế Nga đã ổn định hơn, đã kiểm soát được đà giảm giá dầu, kiểm soát được áp lực từ trừng phạt quốc tế, cũng như từ thay đổi chính trị toàn cầu.

Theo ông Putin, thời gian qua chính phủ Nga đã có nhiều hành động giúp kinh tế bớt đình trệ, giúp hồi phục nhiều lĩnh vực kinh tế. Kết quả là lương công chức - dễ thấy là lương bác sĩ, giáo viên và cả nhiều ngành nghề khác - đã tăng lên.

Với mục tiêu này, theo Financial Times (Anh), ông Putin tới đây sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với phương Tây để giảm áp lực trừng phạt cũng như giảm tác động tiêu cực của các xung đột quốc tế lên kinh tế Nga.

Tổng thống Putin đặt tay lên hiến pháp và phát biểu nhậm chức. Ảnh: AAP

Cầu nối Nga-phương Tây có tên Alexei Kudrin

Financial Times dẫn hai nguồn tin chính phủ Nga cho biết ông Putin đang cân nhắc bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin có quan điểm ôn hòa vào vị trí phó thủ tướng. Ông Kudrin có nhiệm vụ quan trọng phụ trách chiến lược kinh tế cũng như làm cầu nối với châu Âu và Mỹ. Theo hai nguồn tin này, trong nội các mới ông Dmitry Medvedev sẽ vẫn giữ chức thủ tướng nhưng quyền lực về chính sách kinh tế sẽ bị cắt giảm bớt, giao về ông Kudrin.

Ông Kudrin vốn là cố vấn kinh tế cấp cao, một thân tín chính trị lâu năm của ông Putin, là người viết chiến lược kinh tế cho ông Putin trong nhiệm kỳ tới. Nội dung bản chiến lược đề nghị cải cách triệt để cấu trúc kinh tế, từ tăng tuổi hưu cho đến tổ chức lại hệ thống chính phủ và tư pháp.

Finacial Times đưa ý kiến nhà phân tích chính trị và kinh tế Nga Yevgeny Gontmakher rằng nếu ông Kudrin thực sự được bổ nhiệm, có thể thấy giữa ông và ông Putin đã có sự thống nhất về nhiều mặt, trong đó có chính sách đối ngoại. Ông Kudrin từng nhiều lần nói nếu Nga không thay đổi chính sách đối ngoại, thôi đối đầu với châu Âu và Mỹ thì kinh tế Nga sẽ không thể thay đổi. Thông qua việc bổ nhiệm này phương Tây cũng có thể nhìn ra sự thỏa hiệp của ông Putin.

Nhẫn nhịn đối ngoại vì mục tiêu đối nội

Có thể nhận ra sự kiềm chế của ông Putin thời gian gần đây. Sau thời điểm ông thắng cử tháng 3, Nga liên tục bị công kích từ phương Tây, từ việc Anh cáo buộc đầu độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal đến việc ủng hộ chính phủ Syria kể cả sau khi Mỹ nói Syria tấn công hóa học dân thường. Giữa tháng 4, liên quân Mỹ-Anh-Pháp đã nã 103 tên lửa vào Syria bất chấp cảnh báo của Nga. Chưa hết, gói trừng phạt mới của Mỹ gây bất ổn cho thị trường tài chính Nga khiến hàng chục ngàn lao động có rủi ro mất việc.

Trong khi đó, bất kể sự giận dữ từ các quan chức ngoại giao và các nghị sĩ, phản ứng của Nga rất kiềm chế. Theo Financial Times, nhiều người thân cận chính phủ Nga nhận định ông Putin đang nhẫn nhịn tìm cơ hội cải thiện quan hệ với phương Tây để giảm áp lực về kinh tế cho Nga.

47,1% là tỉ lệ ủng hộ ông Putin ở Nga thời điểm cuối tháng 4, giảm nhiều so với hồi tháng 1 (58,9%), theo tổ chức thăm dò Nga VTsIOM. 

Nhà phân tích chính trị độc lập Dmitry Oreshkin (Nga) nhận định Nga chưa bao giờ bị cô lập tới mức này kể từ sau khi tham gia chiến tranh ở Afghanistan. Theo ông, cách Nga tiếp cận cộng đồng thế giới sẽ thay đổi trong nhiệm kỳ mới của ông Putin. Giờ nhiệm vụ của ông Putin là để thế giới công nhận và chấp nhận các yêu cầu về quyền lợi của Nga.

Ở hướng ngược lại, SCMP (Hong Kong) dẫn nhận định của chuyên gia Konstantin Kalachev, Chủ tịch tổ chức Chuyên gia Chính trị (Nga) rằng thái độ của Nga với phương Tây sẽ không có nhiều thay đổi trong nhiệm kỳ thứ tư của ông Putin. Theo vị này, với ông Putin bất kỳ nhượng bộ nào cũng là sự yếu đuối, vì thế không nên có mong chờ nào về thay đổi chính sách đối ngoại của Nga. Hơn nữa, ông Putin biết rõ chính sách đối ngoại hiện tại là nền tảng chính tạo sự ủng hộ ông ở Nga.

Kênh truyền hình Deutsche Welle (Đức) dẫn nhận định của chuyên gia Manfred Hildermeier tại ĐH Göttingen (Đức) rằng Nga chỉ có thể kéo gần khoảng cách với phương Tây thông qua hợp tác, tuy nhiên điều này sẽ không xảy ra trong thời gian tới. Hay nói cách khác, tình trạng đối đầu giữa Nga và phương Tây sẽ còn tiếp diễn.

Ông Putin được tái bầu hồi tháng 3 với 76,7% phiếu bầu - tỉ lệ cao nhất so với ba kỳ bầu cử tổng thống trước (các năm 2000, 2004, 2012) và là mức cao nhất đối với một tổng thống Nga sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Hiến pháp Nga quy định một người không thể làm tổng thống quá hai nhiệm kỳ liên tục. Ông Putin sau hai nhiệm kỳ tổng thống đầu đã chọn làm thủ tướng trong thời gian 2008-2012, nhường vị trí tổng thống cho ông Medvedev, trước khi quay lại làm tổng thống năm 2012. Ông Putin sẽ làm gì sau nhiệm kỳ thứ tư này? Chuyên gia Hildermeier (Đức) dự đoán ông Putin sẽ lặp lại bước đi trước, không tham gia tranh cử tổng thống năm 2024, thay vào đó sẽ là một người thân cận ông như ông Medvedev năm 2008. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm