Ông Putin tung ‘siêu vũ khí’ nhằm vào phương Tây

2018 thực sự là một năm “buồn vui lẫn lộn” đối với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Có thể xem Tổng thống Putin là người chiến thắng khi Mỹ quyết định rút khỏi Syria. Nhưng nếu phân tích kỹ hơn, nhiều thách thức lớn ở Trung Đông và trong nước vẫn cần ông tìm cách giải quyết. Ông Putin vẫn chưa thể nhích gần hơn tới việc xóa bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây vốn làm kinh tế Nga suy yếu.

Căng thẳng Trung Đông, phương Tây còn đó

Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria đã đạt được mục tiêu mà điện Kremlin đề ra là giữ cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tồn tại và đưa Moscow trở thành “người chơi” thiết yếu trên bàn cờ Trung Đông. Mặc dù vị thế của Nga ở Syria có thể được củng cố sau quyết định Mỹ rút khỏi Syria nhưng lại dẫn tới một cuộc đấu khác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang sẵn sàng mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực, theo AP.

Ngoài ra, Moscow đứng trước nhiệm vụ “khó xơi” là cân bằng các xung đột lợi ích giữa Israel và Iran trong khu vực.

“Ai đó có thể coi đây là thành công của ông Putin, nhưng thực tế lại là phiền phức dành cho ông. Tình hình có thể biến chuyển mạnh mẽ và Nga sẽ phải chịu trách nhiệm cho điều đó. Dù gì, cãi vã qua lại với Mỹ còn tốt hơn là một mình giáp mặt với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay các nước khác” - Alexei Malashenko, một chuyên gia về Trung Đông tại Moscow, phân tích về quyết định rút khỏi Syria của Mỹ.

Kế hoạch của Tổng thống Donald Trump cắt giảm quân Mỹ tại Afghanistan vào mùa hè năm 2019 thậm chí có thể đem lại nhiều thách thức hơn nữa cho Nga. Việc Mỹ cắt giảm hiện diện quân sự tại đây được dự báo sẽ đem lại cho các tay súng cực đoan cơ hội gây bất ổn ngay tại Trung Á - khu vực trọng yếu sát sườn Nga.

Những thách thức trên đặt ra với Nga trong bối cảnh nền kinh tế nước này điêu đứng bởi đòn giáng kép là giá dầu giảm và lệnh trừng phạt của phương Tây. Tổng thống Putin chỉ trích Mỹ và đồng minh đang cố gắng trừng phạt Nga vì lập trường độc lập của nước này. Tuy nhiên, lệnh cấm vận của phương Tây có thể hạn chế tăng trưởng kinh tế Nga nhưng cũng đem tới cho ông Putin cách giải thích hợp lý về các vấn đề đối nội.

Ông Putin tập trung đầu tư cho quân đội mặc dù nền kinh tế Nga đang khó khăn. Ảnh: AP

“Các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu thực tế đã giúp thúc đẩy quyền lực của ông Putin, cho phép ông ấy hướng sự chú ý về phía áp lực bên ngoài” - ông Malashenko phân tích.

Dù ông Putin muốn lệnh trừng phạt được tháo gỡ nhưng vẫn tỏ ra cứng rắn trong nhiều vấn đề, điển hình là căng thẳng với Ukraine.

Bà Tatiana Stanovaya, một chuyên gia chính trị độc lập, cho rằng quan điểm không khoan nhượng của ông Putin xuất phát từ nhận định bất kỳ nhượng bộ nào cũng sẽ là dấu hiệu của sự yếu ớt và khiến phương Tây có cơ hội đưa ra nhiều yêu cầu hơn. “Ông Putin tin rằng nếu Nga xuống nước, áp lực sẽ càng gia tăng và lệnh trừng phạt sẽ mở rộng thêm” - bà Stanovaya nói.

Trong khi các xung đột với phương Tây vẫn chưa giải quyết xong, Nga lại tập trung vào phát triển kho vũ khí của nước này.

30.000 km/giờ là vận tốc thực sự của tên lửa siêu thanh Avangard, tức bay nhanh hơn tốc độ âm thanh 27 lần. 

Vũ khí mới của Nga

Nga mới đây đã thử thành công tên lửa siêu thanh Avangard lần cuối trước khi đi vào biên chế năm 2019. Tổng thống Putin tuyên bố Avangard là vũ khí “bất khả chiến bại”, sẽ khiến các hệ thống phòng thủ của Mỹ trở nên vô dụng.

“Nga là nước đầu tiên trên thế giới nhận được loại vũ khí chiến lược mới và điều này sẽ đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn cho người dân chúng ta trong nhiều thập niên tới. Đây là món quà tuyệt vời cho đất nước trong năm mới” -  hãng tin TASS dẫn lời Tổng thống Putin.

Tên lửa Avangard nằm trong danh sách một loạt vũ khí hạt nhân mới được ông Putin tiết lộ trong bài phát biểu thông điệp liên bang hồi tháng 3-2018.

Nói với Washington Post, ông Vladimir Frolov, một chuyên gia chính sách đối ngoại tại Nga, coi đây là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm thuyết phục phương Tây ngồi vào bàn đàm phán.

“Mục tiêu của ông Putin là giành được sự chú ý, nỗi sợ hãi và tôn trọng từ phương Tây, để có được quyền phủ quyết các chính sách phương Tây. Ông ấy đang thúc đẩy các cuộc nói chuyện dựa theo điều kiện của Nga mà không có bất kỳ nhượng bộ đơn phương nào” - ông Frolov chỉ ra.

Tổng thống Nga cũng cảnh báo Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 sẽ phải đối mặt với đáp trả từ Nga. Theo bà Stanovaya, những phát biểu của nhà lãnh đạo Nga cho thấy sự bất ổn ngày càng tăng của việc thiếu vắng một chương trình nghị sự chung giữa Moscow và phương Tây.

“Ngày càng rời xa một lối đi chung sẽ dẫn tới lúc việc kiểm soát tình hình trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là trong vấn đề vũ khí hạt nhân. Tổng thống Putin tin rằng vũ khí hạt nhân là lý lẽ tối thượng của Nga, sẽ ảnh hưởng tới cách nghĩ của các chính trị gia phương Tây” - bà Stanovaya nhận định.

Mỹ ra “quân bài” đối phó tên lửa siêu thanh Nga

Hải quân Mỹ ngày 30-12 cho biết lo ngại trước lợi thế về công nghệ của Nga và Trung Quốc, Mỹ lên kế hoạch phát triển một loại vũ khí siêu thanh vào năm 2025. Đô đốc hải quân Mỹ John Richardson đã công bố kế hoạch mang tên “Thiết kế duy trì ưu thế hàng hải, phiên bản 2.0”. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc trong những năm tới không gì khác hơn là “phát triển và chế tạo vũ khí siêu thanh tấn công vào năm 2025”.

Hồi tháng 4, không quân Mỹ đã trao cho nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin một hợp đồng để phát triển một nguyên mẫu vũ khí siêu thanh.

Đến tháng 12, Cơ quan các dự án nghiên cứu phòng thủ tiên tiến (DARPA) trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố đang tìm kiếm các “bản thiết kế mới” và vật liệu để đảm bảo đầu đạn siêu thanh không bị đốt cháy trong khí quyển. Ngoài ra, một dự án khác của Mỹ gọi là “Glide Breaker” nhằm phát triển một vũ khí đánh chặn có khả năng vô hiệu hóa tên lửa siêu thanh cũng đang được DARPA xúc tiến.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm