Ông Tập từng nêu vụ việc bà Mạnh Vãn Châu trong 1 lần điện đàm với ông Biden?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc ngày 28-9 xác nhận Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tháng đã yêu cầu Washington giải quyết vấn đề liên quan giám đốc tài chính của Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei – bà Mạnh Vãn Châu.

“Chủ tịch Tập Cận Bình đã có một nỗ lực rõ ràng và cụ thể về vụ việc của bà Mạnh Vãn Châu, nêu rõ quan điểm của Trung Quốc và yêu cầu Mỹ giải quyết vấn đề một cách hợp lý càng sớm càng tốt” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 28-9 cho biết.

Giám đốc tài chính của Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei – bà Mạnh Vãn Châu. Ảnh: AP

Bà Hoa cho biết bản thân ông Tập đã rất quan tâm vụ việc kể từ khi bà Mạnh bị bắt giữ ở Canada vào tháng 12-2018 theo yêu cầu của Mỹ.

"Chính phủ Trung Quốc đã làm rất nhiều việc ở những cấp độ khác nhau, nhằm bảo vệ và hỗ trợ lãnh sự cho bà Mạnh, nghiêm túc phản đối Mỹ và Canada, yêu cầu hủy bỏ các cáo buộc và cho phép bà Mạnh trở về Trung Quốc" – bà Hoa nói.

Sau gần ba năm bị chính quyền Canada giam giữ theo yêu cầu từ phía Mỹ, bà Mạnh hôm 25-9 đã được trả tự do và quay về đại lục sau khi nhận trách nhiệm về vai trò chính trong việc thực hiện một kế hoạch lừa đảo một tổ chức tài chính toàn cầu.

Bà Mạnh bị bắt giữ ngày 1-12-2018 ở Vancouver theo yêu cầu của chính phủ Mỹ. Washington cáo buộc bà Mạnh vi phạm lệnh trừng phạt của nước này đối với Iran, đồng thời yêu cầu Canada dẫn độ bà sang Mỹ.

Tờ South China Morning Post dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng lên tiếng xác nhận rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc đã đề cập trường hợp của bà Mạnh tại cuộc điện đàm ngày 9-9.

Tuy nhiên, bà Psaki bác bỏ quan điểm nói rằng việc thả bà Mạnh và hai công dân Canada là hành động "trao đổi tù nhân".

"Hai lãnh đạo đã đề cập trường hợp liên quan những cá nhân này, nhưng không có thỏa thuận nào về sự việc" – bà Psaki cho hay.

Thư ký báo chí Nhà Trắng cũng cho biết ông Biden đã thúc ép trả tự do cho doanh nhân Canada Michael Spavor và nhà cựu ngoại giao Canada Michael Kovrig, những người đã bị Trung Quốc giam giữ ngay sau khi bà Mạnh bị bắt.

Trong các tuyên bố trước đó của hai nước về cuộc điện đàm, cả Trung Quốc và Mỹ đều không đề cập vấn đề bà Mạnh.

Phía Trung Quốc cho biết ông Tập cảnh báo rằng sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ “sẽ dẫn đến đau khổ cho các quốc gia khác”, trong khi một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết cuộc điện đàm nhằm đảm bảo cạnh tranh với Trung Quốc không gây ra xung đột.

Trước đó, bà Psaki hôm 27-9 cho biết việc giải quyết vụ việc của bà Mạnh "không có tác động" đến "chính sách thực chất" của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc.

Theo South China Morning Post, việc thả bà Mạnh nằm trong danh sách các yêu cầu mà Trung Quốc đưa ra cho Mỹ vào tháng 7, trong đó cũng bao gồm các nội dung như gỡ bỏ các hạn chế về xin thị thực Mỹ đối với sinh viên và đảng viên thuộc chính quyền Trung Quốc.

Theo bà Hoa, việc giải quyết vụ việc của Mạnh đã "loại bỏ một cái gai cắm sâu vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ".

“Việc giải quyết vụ việc bà Mạnh có ý nghĩa tích cực. Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ sẽ có những hành động cụ thể để danh sách này có thể được xóa" – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm