Ông Trump bàn chuyện 'quốc gia đại sự' bằng ... di động

Sau khi nội dung cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị rò rỉ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị lãnh đạo các nước gọi trực tiếp cho ông qua điện thoại di động để tránh rò rỉ, theo AP.

Ông Trump đã cung cấp số điện thoại di động của mình cho một số lãnh đạo thế giới và đề nghị họ gọi trực tiếp cho mình. Trong số này có các lãnh đạo Canada và Mexico, theo một số cựu và đương kim quan chức Mỹ.

Ông Trump cũng trao đổi số điện thoại di động với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi gọi điện chúc mừng chiến thắng của ông Macron đầu tháng này. Chỉ mới Thủ tướng Canada Justin Trudeau thực hiện đề nghị này.

Đề nghị khá bất thường này cho thấy ông Trump không tin tưởng vào các kênh liên lạc chính thức, phá vỡ quy tắc ngoại giao và dấy lên lo ngại về tính an ninh và đảm bảo bí mật trong việc liên lạc của Tổng thống Mỹ, cũng là Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ.

Tổng thống Mỹ Trump đề nghị lãnh đạo các nước gọi trực tiếp cho mình qua điện thoại di động để tránh rò rỉ. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Trump đề nghị lãnh đạo các nước gọi trực tiếp cho mình qua điện thoại di động để tránh rò rỉ. Ảnh: AP

Chuyện các lãnh đạo thế giới liên lạc với nhau qua điện thoại di động có thể không phải là chuyện lạ trong thời đại di động này. Tuy nhiên, ở lĩnh vực ngoại giao, chuyện lãnh đạo gọi điện cho lãnh đạo là chuyện rất quan trọng, được sắp xếp rất cẩn trọng với độ bảo mật cao.

Các tổng thống Mỹ thông thường thực hiện các cuộc gọi từ một trong các đường dây điện thoại đảm bảo an ninh cao được thiết kế một ở phòng Tình huống, một ở phòng Bầu dục trong Nhà Trắng. Ngoài ra còn một đường dây thiết kế trên chiếc limousine tổng thống di chuyển.

Nội dung các cuộc điện đàm của tổng thống Mỹ với các lãnh đạo thế giới thường được chuẩn bị kỹ trước. Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia là hai cơ quan chịu trách nhiệm lên kịch bản, chuẩn bị các điểm quan trọng của nội dung. Bản ghi âm các cuộc điện đàm này đều được lưu trữ. Luật Ghi âm Tổng thống ban hành năm 1981 yêu cầu tổng thống phải bảo quan và lưu trữ toàn bộ nội dung các cuộc đàm thoại liên quan đến công việc. Đến năm 2014, luật này có thêm điều khoản là lưu trữ cả các email cá nhân.

Theo các chuyên gia an ninh, ông Trump thậm chí nếu dùng điện thoại di động do chính phủ cung cấp vẫn có nguy cơ bị nghe lén, đặc biệt là các chính phủ nước ngoài.

“Nếu bạn nói chuyện trên một đường dây mở thì sẽ là cơ hội nghe lén cho những người quan tâm và có khả năng thực thi nghe lén. Nếu ai đó cố tình nghe lén bạn thì bất cứ điều gì bạn nói bạn cũng phải thòng khả năng có người khác nữa đang nghe chúng” -theo chuyên gia an ninh Derek Chollet, cựu cố vấn Bộ Quốc phòng Mỹ, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Lo ngại này không hề thừa thậm chí khi liên lạc với các đồng minh và Thủ tướng Đức Angela Merkel là người hiểu rõ nhất. Tài liệu tình báo mà nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden ăn cắp và rò rỉ năm 2013 cho thấy điện thoại di động của bà Merkel đã bị Mỹ theo dõi. Quan hệ hữu hảo không phải là tấm chắn hiệu quả cho việc do thám giữa các bên.

“Nếu bạn và ông Macron hay bất kỳ lãnh đạo thế giới nào và bạn có được số điện thoại của tổng thống Mỹ, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng họ sẽ đưa số điện thoại này cho các cơ quan tình báo của mình” - GS luật Ashley Deeks tại ĐH Virginia (Mỹ) nhận định. GS Deeks từng là trợ lý cố vấn pháp luật cho các vấn đề chính trị-quân sự tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo bà, “Chính phủ đôi lúc có vẻ như quá quan liêu với các quy định ngớ ngẩn nhưng thật sự các quy định này tồn tại đều có lý do”.

Tổng thống Mỹ Trump (phải) đã cung cấp số điện thoại di động của mình cho Thủ tướng Canada Trudeau. Hai lãnh đạo tại hội nghị G7 ở Ý ngày 26-5. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Trump (phải) đã cung cấp số điện thoại di động của mình cho Thủ tướng Canada Trudeau. Hai lãnh đạo tại hội nghị G7 ở Ý ngày 26-5. Ảnh: REUTERS

Hành động này của ông Trump cũng mâu thuẫn với việc trước đây ông chỉ trích bà Hillary Clinton dùng máy chủ email riêng khi làm ngoại trưởng. Lúc đó ông Trump đã mạnh miệng bà Clinton lý ra không được tiếp cận các thông tin mật vì có thể bị các kẻ thù bên ngoài khai thác.

Nhà Trắng không bình luận về thông tin này. Chưa cần tới diễn biến này từ ông Trump, Nhà Trắng hiện đang hứng luồng dư luận tiêu cực quanh việc thiết kế kênh giao tiếp ngoài khuôn khổ ngoại giao. Mới đây có thông tin cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner - con rể ông Trump - trong lần gặp đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak tháng 12-2016 đã đề nghị thiết kế một kênh liên lạc bí mật với Nga, dùng vào việc bàn chính sách với Syria.

So với các đời tổng thống Mỹ gần đây, việc rò rỉ nội dung điện đàm giữa ông Trump với các lãnh đạo thế giới xảy ra nhiều hơn cả. Các cuộc đàm thoại giữa ông Trump với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, với Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, với các nhà ngoại giao Nga đều bị rò rỉ.

Điện thoại di động của cựu Tổng thống Barack Obama được an ninh quản lý rất chặt. Rất nhiều chức năng trong chiếc điện thoại BlackBerry của ông Obama bị khóa và chỉ rất ít người có được số điện thoại hay địa chỉ email của ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm