Ông Trump muốn thoái lui tại Liên Hiệp Quốc?

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa nhận được chỉ đạo phải cắt giảm 50%-60% tiền hỗ trợ cho các chương trình của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Thông tin này được tạp chí phân tích bình luận Foreign Policy dẫn từ ba nguồn tin chính phủ Mỹ.

Mỹ sẽ giảm hiện diện?

Theo lịch thì ngày 16-3 Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trình Quốc hội đề xuất ngân sách tài khóa 2018. Theo đề xuất này thì tổng ngân sách cho Bộ Ngoại giao, cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cùng các chương trình hỗ trợ khác trong đó có LHQ sẽ bị cắt giảm 37%, tương đương 20 tỉ USD. Khoản 37% cắt giảm này sẽ được dành tăng cho chi tiêu quốc phòng - dự kiến tăng thêm 54 tỉ USD. Đề xuất này cho thấy sự thay đổi của chính phủ Trump so với chính phủ Obama - vốn ủng hộ ngoại giao và hỗ trợ nước ngoài - sang tăng hỗ trợ cho quân đội.

Mỹ là nước đi đầu trong đóng góp cho hoạt động các chương trình của LHQ, trung bình mỗi năm chi khoảng 10 tỉ USD. Ngoài ra, Mỹ còn chịu trách nhiệm góp hơn 22% cho tổng chi phí quản lý của LHQ là 2,5 tỉ USD. Sự cắt giảm này sẽ là bước thoái lui chưa từng có tiền lệ của chính phủ Mỹ trong các hoạt động của LHQ, các chiến dịch nhân đạo và gìn giữ hòa bình quốc tế.

Cùng với kế hoạch cắt giảm của Mỹ sẽ là viễn cảnh u ám của các chương trình, cơ quan LHQ như Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Cơ quan LHQ vì người tị nạn (UNHCR), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)… Chuyên gia về LHQ Richard Gowan tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu nhận định sự cắt giảm của Mỹ sẽ dẫn đến hỗn loạn trong hoạt động của LHQ.

Ngân sách hoạt động của UNHCR năm ngoái là 4 tỉ USD, trong đó 1,5 tỉ USD từ Mỹ. Nếu khoản tiền này bị cắt có thể dễ dàng hình dung hoạt động của UNHCR sẽ rất khó khăn. Mỹ đóng góp 21% cho ngân sách hoạt động của OECD. Hoạt động của OECD chắc chắn sẽ chới với khi giờ Mỹ muốn giảm mức đóng góp xuống bằng mức nước góp nhiều đứng nhì là Nhật với 12%. Quy mô các chương trình cung cấp vaccine và chăm sóc y tế của UNICEF chắc chắn sẽ bị giảm mạnh. Khủng hoảng chính trị và an ninh ở các nước châu Phi vùng hạ Sahara sẽ thêm trầm trọng một khi Mỹ cắt giảm hỗ trợ.

Tổng thống Trump muốn tăng ngân sách quốc phòng nhưng phải cắt giảm nhiều chi phí khác, trong đó có ngân sách hỗ trợ LHQ. Ảnh: GETTY

Mỹ giảm tiền hỗ trợ cũng sẽ giảm tiếng nói, công việc của đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley, dự đoán sẽ khó khăn hơn. Ảnh: REUTERS

Ngoại giao Mỹ chịu thiệt

Theo các nguồn tin chính phủ Mỹ, có thể LHQ phải chịu sự cắt giảm này trong ba năm. Chưa rõ nước nào sẽ bù vào khoản hụt mà Mỹ sẽ để lại. Theo Foreign Policy, các nhà ngoại giao Mỹ đã cảnh báo điều này với các nước hay đóng góp nhiều cho LHQ như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu trong một phiên họp kín của LHQ ngày 9-3.

Theo trang tin UN Dispatch của LHQ, thông tin Mỹ cắt giảm hỗ trợ LHQ đến trong bối cảnh thế giới đang phải chịu nhiều thảm họa nhân đạo lớn. Ngay từ đầu năm châu Phi đã đối mặt với bốn nạn đói lớn (ở Nam Sudan, Yemen, Somalia, Bắc Nigeria) khiến hàng chục ngàn người phần lớn là trẻ em chết. Trận đói năm 2011 ở Somalia giết chết hơn 250.000 người và theo UN Dispatch thì năm nay có thể sẽ còn tệ hơn nếu 20 triệu người tại châu Phi không được cứu trợ khẩn cấp. Các cơ quan LHQ nói cần 864 triệu USD để ứng phó, tuy nhiên đến thời điểm này họ mới chỉ nhận 6% khoản này.

Nhiều quan chức ngoại giao tại LHQ nhận định các nước khác khả năng lớn sẽ không bù được khoản hụt mà Mỹ để lại. Các nước châu Âu trong đó có Đức có thể sẽ tăng đóng góp cho UNHCR để giải quyết khủng hoảng Syria vốn tạo làn sóng tị nạn khổng lồ ở châu Âu nhưng sẽ không đóng góp cho các chương trình khác của LHQ như phát triển quốc tế và gìn giữ hòa bình. Trong khi đó đối với Mỹ, giảm hỗ trợ cho LHQ sẽ đem lại thách thức cho Ngoại trưởng Rex Tillerson và Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley khi nó kéo theo hệ lụy là sức mạnh bỏ phiếu của nước này ở LHQ sẽ giảm.

Vẫn còn hy vọng mong manh sự cắt giảm này sẽ không thành sự thật. Kế hoạch cắt giảm ngân sách Bộ Ngoại giao của ông Trump đang gặp phản ứng mạnh từ Quốc hội. Nghị sĩ cả hai đảng đều bày tỏ lo ngại. Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Micth McConnell cho rằng đề xuất ngân sách của ông Trump có thể sẽ không được Quốc hội thông qua.

Hồi 25-1, theo tờ The New York Times tiết lộ chính quyền ông Trump cũng đã chuẩn bị dự thảo các sắc lệnh nhằm giảm đáng kể vai trò của Mỹ ở LHQ và các tổ chức quốc tế khác. Một số dự thảo cũng kêu gọi Washington chấm dứt góp quỹ cho bất cứ tổ chức nào “bị kiểm soát hay bị ảnh hưởng căn bản bởi một quốc gia tài trợ cho khủng bố”. Sắc lệnh mới có thể “giảm ít nhất 40%” tổng số tiền Mỹ đóng góp cho các cơ chế quốc tế. Cùng với đó, một ủy ban sẽ được lập ra để khuyến nghị những khoản tài trợ nào nên bị cắt giảm, từ các hoạt động gìn giữ hòa bình, Tòa án Hình sự quốc tế, quỹ phát triển cho các nước “phản đối những chính sách quan trọng của Mỹ” và Quỹ Dân số LHQ.

TD

“Bước thoái lui của Mỹ khỏi LHQ có thể sẽ dẫn tới một sự suy sụp của hệ thống nhân đạo quốc tế” - Foreign Policy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm