Ông Trump sẽ bàn với 2 ông Tập, Putin thôi chạy đua vũ trang

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3-12 cho biết trong tương lai ông sẽ bàn chuyện phát triển quân đội với hai người đồng cấp Trung Quốc và Nga, với hy vọng chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang mất kiểm soát giữa các nước, Reuters đưa tin.

“Tôi chắc chắn rằng một lúc nào đó trong tương lai, Chủ tịch Tập và tôi, cùng với Tổng thống Putin của Nga sẽ bắt đầu nói về chuyện dừng cuộc chạy đua vũ trang lớn không kiểm soát. Mỹ đã chi tới 716 tỉ đô trong năm nay. Thật điên rồ!” - ông Trump viết trên Twitter, một ngày sau khi trở về từ hội nghị G20 ở Argentina.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Helsinki (Phần Lan) giữa năm nay. Ảnh: BBC

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ở Helsinki (Phần Lan) giữa năm nay. Ảnh: BBC

Ông Trump ký luật chính sách quốc phòng trị giá 716 tỉ đô hồi tháng 8, ủy quyền chi tiêu quốc phòng, tăng cường các quy định hạn chế sự đầu tư của Trung Quốc vào các công ty công nghệ Mỹ và tăng chi tiêu vào lĩnh vực tên lửa phòng thủ.

Trong tuyên bố trên Twitter ông Trump không nói rõ sẽ bàn thế nào với ông Putin và ông Tập. Tuy nhiên, trong chính sách quốc phòng quốc gia công bố đầu năm nay, quân đội Mỹ xem Nga và Trung Quốc là hai đối thủ chính phải đối phó, cho biết sẽ rút quân từ một số nơi khác trên thế giới để hỗ trợ ưu tiên này.

Cũng mới hai tháng trước ông Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp ước Hạt nhân Tầm trung (INF) đã ký với Nga từ năm 1987 – thời Chiến tranh lạnh. Theo INF, cả Mỹ và Nga phải thu hồi toàn bộ tên lửa hạt nhân lẫn thông thường tầm ngắn và tầm trung ở châu Âu. Nga cảnh báo sẽ khôi phục cân bằng quân sự nếu ông Trump thực hiện điều này.

Nhiều nước châu Âu đang lo ngại một khi INF không còn Mỹ có thể sẽ tái triển khai tên lửa hạt nhân tầm trung đến châu Âu và rồi Nga cũng có thể triển khai loại tên lửa này đến vùng Kaliningrad, một lần nữa biến châu Âu trở thành chiến trường hạt nhân.

Hồi tháng 3, Trung Quốc thông báo tăng chi tiêu quốc phòng 8,1%, mức tăng cao nhất trong ba năm, chủ yếu nhằm vào chương trình hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng. Diễn biến này khiến các láng giềng Trung Quốc, đặc biệt Nhật và Đài Loan cực kỳ lo ngại.

Tổng thống Donald Trump và phái đoàn Mỹ (phải) đối thoại cùng Chủ tịch Tập Cận Bình và phái đoàn Trung Quốc (trái) bên lề hội nghị G20 ở Argentina ngày 1-12. Ảnh: AFP

Tổng thống Donald Trump và phái đoàn Mỹ (phải) đối thoại cùng Chủ tịch Tập Cận Bình và phái đoàn Trung Quốc (trái) bên lề hội nghị G20 ở Argentina ngày 1-12. Ảnh: AFP

Truyền thông Trung Quốc nói mức tăng này là bình thường và thấp, rằng Trung Quốc không nhắm đến cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, khi chi tiêu quân sự của mình chỉ bằng 1/4 của Mỹ.

Dù thế chi tiêu quân sự của Trung Quốc nhận được sự chú ý của toàn cầu khi nước này tập trung phát triển các năng lực quân sự mới máy bay chiến đấu tàng hình, tàu sân bay và tên lửa chống vệ tinh.

Nga sẽ trả đũa nếu Mỹ rút khỏi INF
Nga sẽ trả đũa nếu Mỹ rút khỏi INF
(PL)- Moscow sẽ đối phó việc Washington đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định. Ông còn nói rằng nước Nga sẽ không tham gia một cuộc chạy đua vũ trang nào khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm