Phe biểu tình muốn thủ tướng từ chức

Báo Bangkok Post (Thái Lan) đưa tin sáng 9-12, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã phát biểu trên truyền hình tuyên bố giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử sớm.

Bà nói: “Tình hình dường như có chiều hướng leo thang thành bạo lực nên chính phủ quyết định giải tán Hạ viện, trả quyền lực lại cho nhân dân để họ quyết định thông qua bầu cử”. Bà khẳng định bà vẫn là thủ tướng của chính phủ lâm thời đến khi nội các mới được thành lập.

Theo đề nghị của nội các, Quốc vương Bhumibol Adulyadej đã ký sắc lệnh phê chuẩn quyết định giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 2-2-2014. Đảng Pheu Thai (cầm quyền) đã khen ngợi Thủ tướng Yingluck Shinawatra có quyết định can đảm và có trách nhiệm chính trị.

Phe biểu tình muốn thủ tướng từ chức ảnh 1

Ngày 9-12 tại Bangkok, những người biểu tình tháo cổng tòa nhà chính phủ. Ảnh: REUTERS

Tuyên bố giải thích quyết định trên nhằm tránh thương vong như đã từng xảy ra trong quá khứ đồng thời kêu gọi lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban hủy bỏ biểu tình, trả lại các cơ quan chính phủ đang bị chiếm và trả đường sá lại cho dân.

Chủ tịch đảng Charupong Ruangsuwan cho biết ông tin rằng bà Yingluck Shinawatra sẽ ra tranh cử và là ứng cử viên số một của đảng. Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikul đã kêu gọi những người biểu tình trở về nhà vì thủ tướng đã giải tán Hạ viện.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo biểu tình tuyên bố quyết định giải tán Hạ viện của Thủ tướng Yingluck Shinawatra không có ý nghĩa vì bà Yingluck Shinawatra vẫn là thủ tướng chính phủ lâm thời. Họ kêu gọi bà từ chức ngay để mở đường thành lập hội đồng nhân dân.

Bất chấp quyết định giải tán Hạ viện của thủ tướng, sáng 9-12, khoảng 150.000 người đã tuần hành về tòa nhà chính phủ ở trung tâm Bangkok. Đoàn người biểu tình dài hơn 3 km. Sau bảy tiếng đi chặng đường dài 30 km, đoàn biểu tình đã đến nơi.

Phát biểu trên khán đài mới dựng trước tòa nhà chính phủ, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố đây là ngày lịch sử của đất nước. Báo The Nation (Thái Lan) đưa tin ông đã nói: “Chúng ta phải tự hào vì đây là lần đầu tiên nhân dân-chủ nhân của đất nước đã dùng tay không giành lại đất nước từ một chính phủ tham nhũng”.

Ông nhấn mạnh chính phủ đã lạm dụng quyền lực và vi phạm pháp quyền nên Ủy ban Cải cách nhân dân có quyền viện dẫn điều 3 của hiến pháp để tước bỏ quyền lực của chính phủ (điều 3 khẳng định chủ quyền đất nước thuộc về nhân dân Thái Lan).

Những người biểu tình dưới khán đài reo hò vang dội. Thông tấn xã Thái Lan cho biết không có cảnh sát mà chỉ có các binh sĩ trong khuôn viên tòa nhà chính phủ.

Hàng chục ngàn người cũng đã biểu tình ở các tỉnh Surat Thani, Trang, Chumphon, Nakhon Ratchasima, Pattani, Yala, Phitsanulok, Phayao và Chon Buri. Đông nhất là cuộc biểu tình trước tòa thị chính tỉnh Surat Thani với hơn 30.000 người tham gia.

Trước đó, Bộ Ngoại giao đã hủy cuộc gặp với đại diện các đại sứ quán nước ngoài vì lo ngại họ bị mắc kẹt khi người biểu tình bao vây tòa nhà chính phủ.

Ngày 9-12, tòa án hình sự Bangkok đã từ chối phát lệnh bắt giữ 13 lãnh đạo biểu tình về các tội nổi loạn, tập hợp đông người trái phép theo yêu cầu của cảnh sát. Tòa nhận định tình hình sẽ cải thiện vì Hạ viện đã giải tán, do đó bắt giữ là biện pháp không cần thiết.

Người phát ngôn quân đội cam kết quân đội sẽ duy trì an toàn, trật tự và kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình để giải quyết khủng hoảng chính trị. Người phát ngôn ghi nhận căng thẳng đã dịu bớt sau khi Hạ viện giải tán và kỳ vọng tình hình sẽ tiếp tục được cải thiện.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm