Philippines chờ tòa phán quyết

Ngày 10-7 (giờ địa phương), Tòa trọng tài thường trực tại La Haye (Hà Lan) đã bước sang phần đánh giá các lập luận của Philippines sau hai ngày lắng nghe phái đoàn Philippines trình bày.

Hãng tin GMA News (Philippines) cho biết năm thẩm phán sẽ xem xét có thẩm quyền hay không đối với vụ Philippines kiện bác bỏ “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Bà Abigail Valte, phó phát ngôn của tổng thống Philippines (tham gia phái đoàn Philippines tại La Haye), cho biết phái đoàn Philippines sẽ chờ xem các thẩm phán có hỏi thêm hay không. Nếu các thẩm phán cần hỏi thêm, ngày 13-7, phái đoàn Philippines sẽ tiếp tục trình bày vòng 2.

Trang tin tức Rappler (Philippines) ngày 10-7 dẫn lời chuyên gia Jay Batongbacal, Phó Giáo sư Trường Luật thuộc ĐH Philippines, giải thích Tòa trọng tài thường trực La Haye có thể sẽ tách bạch các lập luận của Philippines, sau đó sẽ xem xét tòa có thẩm quyền đối với từng lập luận hay không.

Ông ghi nhận theo quan sát của ông thì Philippines đã đưa ra 13-20 yêu cầu. Ông dự đoán tòa sẽ tuyên có thẩm quyền đối với một số yêu cầu và không có thẩm quyền đối với một số yêu cầu còn lại.

Năm thẩm phán Tòa trọng tài thường trực La Haye. Thẩm phán Thomas Mensah người Ghana làm chủ tọa (giữa). Ảnh: TÒA TRỌNG TÀI THƯỜNG TRỰC

Tuy nhiên, tòa cũng có thể tuyên có thẩm quyền đối với mọi yêu cầu của Philippines (kết quả tốt nhất) hoặc không có thẩm quyền đối với tất cả yêu cầu của Philippines (kết quả xấu nhất).

Trung Quốc đã đưa ra lập luận rằng chủ quyền trên đất không thể tách rời thực thể trên biển, do đó không thể tách rời các vấn đề với nhau. Trái lại, Philippines đưa ra lập luận cái gì trên biển thì không phải trên đất liền.

Trong khi đó, báo Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 9-7 đã đăng bài viết chỉ trích vụ Philippines kiện Trung Quốc tại trọng tài quốc tế chỉ làm xáo trộn biển Đông.

Bài viết này có tham khảo ý kiến của ông Trang Quốc Thổ, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc ĐH Hạ Môn (Trung Quốc).

Báo nhận định vụ kiện của Philippines diễn ra trùng hợp với chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á và là điển hình cho thấy chính phủ Philippines nỗ lực củng cố liên minh quân sự với đồng minh Mỹ.

Báo đánh giá cá nhân Tổng thống Philippines Aquino giữ vai trò tích cực trong động thái liên minh với Mỹ. Báo đã điểm lại hoạt động của Tổng thống Aquino hồi đầu tháng 6 ở Nhật, sau đó đến sự kiện hải quân Philippines tập trận với Mỹ và Nhật cuối tháng 6 ở biển Đông.

Báo nói rằng Philippines muốn phát triển kinh tế biển, do đó Philippines mong chờ Tòa trọng tài thường trực La Haye quyết định “đường chín đoạn” của Trung Quốc là bất hợp pháp để Philippines mở rộng vùng đặc quyền kinh tế nhằm thụ hưởng tối đa nguồn lợi từ biển Đông.

Báo Thời Báo Hoàn Cầu dự báo chắc chắn tòa sẽ bác vụ kiện và tiến trình tố tụng sẽ kéo dài nhiều năm, vậy nên trong thời gian trước mắt Philippines nên… bầu một tổng thống mới vì chính sách của chính phủ mới đối với Trung Quốc có thể khác ông Aquino.

Báo The Jakarta Post đưa tin ngày 10-7, Bộ Quốc phòng Indonesia đã họp với Cơ quan Quy hoạch phát triển quốc gia để thảo luận kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới gần biển Đông. Có sáu địa điểm được đưa vào danh sách lựa chọn. Công việc đầu tiên là lập một tổ nghiên cứu chung. Kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển cho tổng thống phê duyệt. Bộ trưởng Quốc phòng Ryamizard Ryacudu nhận định xây dựng căn cứ quân sự mới là điều cấp bách trong tình hình căng thẳng ở biển Đông.

__________________________________

Trong hai ngày qua, Philippines đã trình bày lập luận chứng minh rằng tòa có thẩm quyền về vụ kiện này và không có bất kỳ trở ngại gì để cản trở tòa thực hiện thẩm quyền.

Phó phát ngôn của tổng thống Philippines ABIGAIL VALTE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm