Philippines kiện TQ: Thất bại mới của TQ

Tạp chí The Diplomat (Nhật) đưa tin hôm 29-10 (giờ địa phương), Tòa trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) đã đưa ra quyết định đầu tiên trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường lưỡi bò”.

Tòa có thẩm quyền 7/15 đề nghị

Tòa trọng tài thường trực nhận định tòa có thẩm quyền phân xử vụ kiện chiếu theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), Trung Quốc  không thể cản trở thẩm quyền của tòa và Philippines có quyền kiện.

Trong thông cáo dày 151 trang, Tòa trọng tài thường trực đã bác lập luận của Trung Quốc rằng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đã quy định chỉ giải quyết tranh chấp về biển Đông thông qua thương lượng.

Tòa xác định DOC là thỏa thuận chính trị không mang tính ràng buộc pháp lý.

Trung Quốc không tham gia tiến trình vụ kiện mà chỉ công bố tài liệu lập trường hồi tháng 12-2014. Do đó, Tòa trọng tài thường trực đã chấp thuận xem tài liệu này là đề nghị chính thức của Trung Quốc.

Báo Philippine Star đưa tin ngày 30-10, Bộ Ngoại giao Philippines đã khen ngợi quyết định của tòa.

Chuyên gia Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Nghiên cứu hàng hải và luật biển Philippines (ĐH Philippines), giải thích Tòa trọng tài thường trực thông báo có thẩm quyền đối với 7/15 đề nghị của Philippines.

Dù vậy, điều này vẫn có nghĩa tòa xác nhận có thẩm quyền trong khi Trung Quốc cứ tuyên bố tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Tòa trọng tài thường trực.

 
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Ảnh: AFP

Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức Mỹ (giấu tên) khen ngợi: “Điều này chứng minh các vấn đề phân xử về yêu sách chủ quyền dựa trên luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế là biện pháp vững chắc để ít ra cũng quản lý được xung đột quốc tế nếu không thể giải quyết”.

Tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhận xét quyết định của Tòa trọng tài thường trực mang tính chất ràng buộc pháp lý đối với Philippines cũng như Trung Quốc.

Tòa tiếp tục xét nội dung tranh chấp

Theo tạp chí The Diplomat (Nhật), Philippines đang kiện Trung Quốc về bốn vấn đề chính:

- “Đường chín đoạn” của Trung Quốc đi ngược với UNCLOS.

- Do đó, yêu sách chủ quyền “đường chín đoạn” là đòi hỏi quá đáng, bất hợp pháp.

- Trung Quốc khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

- Trung Quốc xâm phạm khả năng tự do lưu thông hàng hải của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế.

Ông Florin Hilbay, cố vấn pháp luật của chính phủ Philippines, nhận định: “Loại trừ các phản đối ban đầu trong việc thực hiện thẩm quyền của tòa đã mở đường để phân định về nội dung các đề nghị của Philippines”.

Cố vấn Florin Hilbay là người đã từng phụ trách phái đoàn Philippines đến La Haye điều trần trước Tòa trọng tài thường trực hồi tháng 7.

Ông cho biết tòa sẽ ấn định một phiên điều trần mới về nội dung vụ kiện và sẽ thông báo trong sáu tháng.

Báo Wall Street Journal nhận định: Quyết định của Tòa trọng tài thường trực là thất bại đối với Trung Quốc khi Trung Quốc đòi gần hết biển Đông mà không đếm xỉa gì đến yêu cầu chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Malaysia và một số nước.

Mỹ-Trung tiếp tục đối thoại để tránh đối đầu

Hai ngày sau sự kiện tàu Mỹ USS Lassen vào khu vực 12 hải lý thuộc các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở biển Đông, sáng 29-10 (giờ địa phương), Đô đốc John Richardson, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, đã hội đàm trực tuyến với Đô đốc Ngô Thắng Lợi, tư lệnh hải quân Trung Quốc.

Cuộc trò chuyện được tổ chức theo yêu cầu của Trung Quốc.

Báo Defense News (Mỹ) đưa tin có rất ít thông tin về cuộc trao đổi này. Thời gian trò chuyện kéo dài hơn một tiếng. Hai bên trao đổi về tự do hàng hải, quan hệ giữa hải quân hai nước, các chuyến thăm quân sự, cam kết của các nhà lãnh đạo và tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại thường xuyên.

Reuters dẫn lời quan chức Mỹ (giấu tên) cho biết hai bên nhất trí cần tiếp tục thực hiện bản ghi nhớ về Quy tắc về chạm trán bất ngờ trên biển để tránh xảy ra hiểu nhầm và khiêu khích. Hai bên cho rằng kế hoạch về các chuyến thăm cảng của tàu chiến hai nước và các chuyến thăm của các sĩ quan cấp cao hai nước vẫn được duy trì.

Thông cáo của hải quân Mỹ khẳng định Mỹ có quyền tự do thực hiện các chiến dịch hàng hải trên thế giới nhằm bảo vệ các quyền, tự do, sử dụng hợp pháp vùng biển và vùng trời dành cho mọi quốc gia theo luật pháp quốc tế; tự do hàng hải không phải là thách thức đối với chủ quyền của các thực thể cải tạo đất.

Tân Hoa xã (Trung Quốc) đưa tin Đô đốc Ngô Thắng Lợi cho rằng “hành động của Mỹ là nguy hiểm, khiêu khích, đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, làm phương hại hòa bình và ổn định khu vực”. Ông nói: “Trung Quốc sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh” nếu Mỹ cứ tiếp tục không ngó ngàng đến quan tâm của Trung Quốc.

_______________________________

Quyết định hôm nay là một chặng đường quan trọng trong vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế nhằm ngăn chặn các toan tính của Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ JOHN McCAIN
(Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ)

Quyết định của Tòa trọng tài thường trực không có hiệu lực và không liên quan đến Trung Quốc… Về các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và các quyền và lợi ích hàng hải, Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ áp đặt nào cho Trung Quốc và không chấp nhận các kế hoạch giải quyết tranh chấp bao gồm đề nghị đơn phương của bên thứ ba.

Tuyên bố ngày 30-10 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm