Phó Tổng thống Joe Biden thăm Ấn Độ: Mỹ-Ấn và năm vấn đề cốt lõi

Ngày 23-7, tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã có cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo hãng tin Press Trust of India (Ấn Độ), hai bên đã nhất trí thúc đẩy thực hiện thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự và nâng cao hợp tác thương mại.

Thủ tướng Manmohan Singh cho biết ông sẽ thăm Mỹ vào ngày 20-9. Trước đó, ông Joe Biden đã hội kiến người đồng cấp Ấn Độ Hamid Ansari.

Phó Tổng thống Joe Biden đến Ấn Độ vào đêm 22-7 trong khuôn khổ chuyến thăm bốn ngày. Đây là chuyến thăm của một phó tổng thống Mỹ sau 29 năm từ lần thăm Ấn Độ của Phó Tổng thống George H. W. Bush vào năm 1984.

Kể từ khi Ấn Độ giành được độc lập, mới chỉ hai phó tổng thống Mỹ đến thăm Ấn Độ. Đó là Phó Tổng thống Hubert Humphrey vào năm 1966 và Phó Tổng thống George H. W. Bush vào năm 1984. Tuy nhiên, hai chuyến thăm này đều không tạo ra được những điểm nhấn quan trọng.

Phó Tổng thống Joe Biden thăm Ấn Độ: Mỹ-Ấn và năm vấn đề cốt lõi ảnh 1

Phó Tổng thống Joe Biden (trái) tại cuộc gặp Thủ tướng Manmohan Singh ở New Delhi (Ấn Độ) ngày 23-7. Ảnh: PROKERALA

Hãng tin First Post (Ấn Độ) nhận định chuyến thăm Ấn Độ lần này của Phó Tổng thống Joe Biden là sự kiện quan trọng nhất trong việc nâng cao quan hệ song phương Mỹ-Ấn kể từ chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Obama hồi tháng 11-2010.

Theo hãng tin First Post, chương trình nghị sự của ông Joe Biden tại Ấn Độ bao gồm năm vấn đề chính:

Vấn đề Afghanistan: Tại cuộc họp báo trước chuyến thăm Ấn Độ, người phát ngôn Nhà Trắng đã mô tả Ấn Độ là một đối tác cốt yếu trong tiến trình xây dựng một Afghanistan hòa bình, ổn định, thịnh vượng. Ấn Độ đã dành 2 tỉ USD viện trợ phát triển cho Afghanistan và đang lo ngại phiến quân Taliban quay trở lại sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Trong chuyến thăm lần này, Phó Tổng thống Joe Biden sẽ nhấn mạnh Mỹ ủng hộ vai trò của Ấn Độ đối với Afghanistan và tìm cách trấn an lo ngại của Ấn Độ sau khi Mỹ rút hết quân khỏi Afghanistan.

Chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương: Ông Joe Biden sẽ tìm cách thuyết phục Ấn Độ trở thành một đối trọng của Trung Quốc trong khu vực. Ấn Độ có thể ủng hộ đề xuất của Mỹ nhưng sẽ không bày tỏ công khai.

Hợp tác kinh tế: Ông Joe Biden sẽ tập trung thảo luận các vấn đề chính sách đầu tư, bảo vệ tài sản trí tuệ cũng như các biện pháp nâng cao kim ngạch thương mại song phương.

Năng lượng: Hiện nay, việc thực hiện thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn Độ đang bế tắc do các quy định của Ấn Độ đặt trách nhiệm quá nhiều cho các công ty xuất khẩu công nghệ hạt nhân trong trường hợp xảy ra biến cố ở lò phản ứng hạt nhân. Ông Joe Biden sẽ đề nghị Ấn Độ xem xét lại các quy định này.

Quốc phòng: Ông Joe Biden sẽ thảo luận về các dự án phát triển vũ khí chung giữa hai nước. Phía Ấn Độ không muốn quan hệ quốc phòng chỉ dựa trên các hợp đồng mua bán vũ khí của Mỹ.

Đài Tiếng nói Mỹ (VOA) ngày 23-7 nhận định chuyến thăm Ấn Độ của ông Joe Biden là điểm then chốt trong chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Chuyên gia Raja Mohan ở Quỹ nghiên cứu Người quan sát (Ấn Độ) ghi nhận mặc dù Ấn Độ không phải là đồng minh truyền thống của Mỹ nhưng hai nước đều có cùng mục tiêu không muốn Trung Quốc thống trị châu Á. Do đó, hai nước sẽ có nhiều dư địa hợp tác trong nỗ lực xây dựng một cán cân quyền lực ổn định ở châu Á.

LÊ LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm