Phó tổng thống Mỹ cảnh báo về biển Đông

Tân Hoa xã (Trung Quốc) đưa tin Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ bảy đã khai mạc tại Washington hôm 23-6 (giờ địa phương) và sau đó là Tham vấn cấp cao về giao lưu nhân dân Mỹ-Trung lần thứ sáu.

Đồng chủ trì đối thoại Mỹ-Trung là Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew cùng với Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương.

Đồng chủ trì Tham vấn cấp cao về giao lưu nhân dân Mỹ-Trung là Phó Thủ tướng Lưu Diên Đông và Ngoại trưởng John Kerry.

Theo AFP, phát biểu khai mạc đối thoại Mỹ-Trung, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khuyến khích Trung Quốc tiếp tục đối thoại chân thành và trực tiếp. Ông nhấn mạnh “Quan hệ này rất quan trọng. Thế giới phụ thuộc vào thành công chung của chúng ta”.

Ông lập luận hai nước là hai đối thủ cạnh tranh lớn, có nhiều bất đồng quan trọng nhưng đó là bản chất của quan hệ quốc tế. Ông đánh giá Trung Quốc là đối tác của Mỹ trong nhiều vấn đề, đặc biệt về biến đổi khí hậu.

Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung tại Washington ngày 23-6. Ảnh: THX

Liên quan đến biển Đông, ông cảnh báo các tuyến hàng hải cần phải được mở rộng và được bảo vệ để thúc đẩy thương mại thế giới.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương khẳng định Mỹ-Trung không nên theo đuổi lối đối đầu cũ.

Ông cho rằng đối thoại sẽ tốt hơn đối đầu và khẳng định hai nước đang trên đường hợp tác tốt, dù vậy cũng thừa nhận hai bên vẫn chưa đồng thuận về một số vấn đề.

Trong khuôn khổ đối thoại về biến đổi khí hậu, hai bên cam kết sẽ tăng cường hợp tác trên năm lĩnh vực mới ngoài 13 lĩnh vực đã hợp tác.

Trong khi đó, nhân sự kiện Philippines và Nhật tập trận chung ở đảo chiến lược Palawan (Philippines) hôm 23-6, hãng tin AP đã đăng bài viết nhận định cuộc tập trận chung báo hiệu Nhật sẽ chuẩn bị tham gia tuần tra trên biển Đông.

AP ghi nhận cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh như sau:

- Quốc hội Nhật đang thảo luận các đạo luật nhằm cho phép lực lượng phòng vệ Nhật hoạt động ngoài lãnh thổ Nhật. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Gen Nakatani đã từng thông báo Nhật có thể tham gia tuần tra ở biển Đông.

- Đô đốc Harry Harris, tân tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương, đã tuyên bố máy bay P-3C rất phù hợp để tuần tra ở biển Đông và khen ngợi Nhật muốn giữ vai trò quan trọng hơn trong an ninh khu vực.

- Cuộc tập trận chung Philippines - Nhật diễn ra trùng hợp lúc Mỹ đang cao giọng chỉ trích Trung Quốc cải tạo đất và xây đảo nhân tạo ở biển Đông. Nhật cũng đã công khai chỉ trích Trung Quốc về vấn đề này.

Nhật khẳng định cuộc tập trận chung với Philippines chỉ tập trung đối phó thiên tai chứ không liên quan đến tuần tra, giám sát.

Dù vậy, AP nhận định Nhật muốn tránh gây căng thẳng thêm với Trung Quốc bởi Nhật đang tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Nhật cũng muốn trấn an nội bộ vì một bộ phận dư luận Nhật không muốn Nhật can thiệp vào xung đột ở nước ngoài.

Ngày 23-6, Hạm đội 7 Mỹ đã phát thông báo cho biết hôm 19-6, phi đội tuần tra Bồ Nông 45 (VP45) của Mỹ đã chứng minh khả năng thám sát và tuần tra của máy bay P-8A Poseidon bằng chuyến bay trên vùng biển Luzon (Philippines). Các phi công Mỹ đã bay cùng đồng nghiệp Philippines để cải thiện năng lực phối hợp tác chiến. Hạm đội 7 nhận định P-8A Poseidon là máy bay chống tàu ngầm và tàu chiến nổi tiên tiến nhất thế giới. Báo Inquirer (Philippines) đã đăng bài viết với tựa đề “Máy bay gián điệp tiên tiến nhất của Mỹ đã bay cùng với các phi công Philippines gần biển Đông”.

___________________________________

Các nước bỏ rơi ngoại giao, sử dụng cưỡng ép và dọa nạt để giải quyết tranh chấp hoặc nhắm mắt trước hành động xâm lấn của các nước khác chỉ làm cho bất ổn phát sinh.

Phó Tổng thống Mỹ JOE BIDEN

Chắc chắn chúng ta sẽ thấy Nhật sẽ cùng giám sát và thám sát trên biển Đông trong những năm tới. Nhật sẽ cùng hợp tác thực hiện với Mỹ, Úc, Philippines và nhiều nước khác.

Chuyên gia NARUSHIGE MICHISHITA ở Viện nghiên cứu chính sách quốc gia (Nhật)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm