Qatar hứa rồi thất hứa những gì với khối Ả Rập?

Khủng hoảng ngoại giao trầm trọng nhất trong hàng thập niên giữa Qatar và các láng giềng vùng Vịnh chưa biết sẽ đi về đâu. CNN vừa mới thu thập một số tài liệu giúp giải thích nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng này.

Chuyện Qatar đã có một số thỏa thuận bí mật ký với các láng giềng vùng Vịnh trước khủng hoảng được biết rộng rãi, tuy nhiên nội dung của các thỏa thuận này thì được giữ kín. Một phần vì tính nhạy cảm, một phần vì nó được thống nhất riêng tư giữa lãnh đạo các nước. Mới đây qua một nguồn tin độc quyền CNN đã thu thập được các tài liệu bí mật này.

Qatar từng ký hai thỏa thuận 

Thỏa thuận thứ nhất được viết tay vào ngày 23-11-2013, được gọi là thỏa thuận Riyadh, ký giữa các quốc vương Saudi Arabia, Qatar và Kuwait. Nội dung thỏa thuận này là không can thiệp vào chuyện nội bộ của các nước vùng Vịnh, cấm hỗ trợ tài chính và chính trị cho các nhóm chống đối chính phủ.

Thỏa thuận nêu rõ không được hỗ trợ phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, các nhóm ủng hộ phe chống chính phủ ở Yemen và Saudi Arabia đe dọa đến an ninh và ổn định các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Một số lý do các nước vùng Vịnh đưa ra để cắt quan hệ và cô lập Qatar là cho rằng Qatar ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo, nhóm vũ trang Hezbollah và các nhóm khủng bố khác.

Thỏa thuận Riyadh cũng quy định không ủng hộ “truyền thông đối lập”, ám chỉ đến đài vệ tinh Al Jazeera ở Qatar. Các nước vùng Vịnh cáo buộc Al Jazeera ủng hộ các nhóm chống đối trong khu vực, trong đó có ở Ai Cập và Bahrain.

Thỏa thuận Riyadh năm 2013 còn có một tài liệu phụ lục đi kèm do ngoại trưởng các nước liên quan đề cập việc thực thi thỏa thuận.

Ngoại trưởng 4 nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Ai Cập cùng họp tại Caro (Ai Cập) tuần trước, thống nhất tiếp tục trừng phạt Qatar đến khi nào nước này đáp ứng các điều kiện. Ảnh: GETTY IMAGES

Ngoại trưởng bốn nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Ai Cập cùng họp tại Cairo (Ai Cập) tuần trước, thống nhất tiếp tục trừng phạt Qatar đến khi nào nước này đáp ứng các điều kiện. Ảnh: GETTY IMAGES

Thỏa thuận thứ hai được đặt đầu mục “bí mật hàng đầu”, được ký ngày 16-11-2014. Thành phần ký ngoài các quốc vương Saudi Arabia, Qatar và Kuwait còn có vua Bahrain, thái tử Abu Dhabi và thủ tướng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Thỏa thuận đặc biệt đề cập đến cam kết hỗ trợ sự ổn định của Ai Cập, ngăn Al Jazeera trở thành công cụ của các tổ chức hay cá nhân thách thức chính phủ Ai Cập. Sau khi thỏa thuận này được ký, Al Jazeera đã đóng cửa kênh Al-Jazeera Mubashir Misr chuyên đưa tin về Ai Cập.

Qatar và láng giềng nói gì?

Sau khi có thông tin từ CNN, Saudi Arabia, UAE, Bahrain, Ai Cập đã cùng ra một tuyên bố chung rằng các tài liệu “xác nhận rằng Qatar đã không thực hiện các cam kết và vi phạm toàn diện các lời hứa”.

“Bốn nước nhấn mạnh rằng 13 điều kiện đã gửi tới chính phủ Qatar là để họ hoàn thành các lời hứa và cam kết. Các điều kiện này thực ra bắt nguồn từ thỏa thuận Riyadh, từ cơ chế của thỏa thuận cũng như từ nội dung phụ lục thỏa thuận” - CNN dẫn tuyên bố bốn nước. Tuân thủ hai thỏa thuận này là một trong các nguyên tắc cơ bản mà các nước vùng Vịnh yêu cầu Qatar thực hiện để nối lại quan hệ.

Trong khi đó, trong một tuyên bố gửi đến CNN, Qatar cáo buộc Saudi Arabia và UAE phá vỡ tinh thần thỏa thuận và xâm phạm chủ quyền Qatar.

“Đọc kỹ ngôn từ sẽ thấy nội dung các thỏa thuận 2013, 2014 là nhằm đảm bảo chủ quyền các nước GCC. Các điều kiện của họ - đóng cửa Al-Jazeera, bồi thường… - không liên quan đến thỏa thuận Riyadh. Hơn nữa, Saudi Arabia và UAE chưa bao giờ sử dụng các cơ chế trong thỏa thuận Riyadh để truyền đạt các quan ngại của mình đến Qatar” - người phát ngôn chính phủ Qatar Saif Bin Ahmed Al-Thani trả lời CNN.

Theo ông Al-Thani, danh sách 13 điều kiện “thể hiện một sự tấn công không có lý do và không có tiền lệ vào chủ quyền Qatar”, “và vì lý do đó các yêu cầu này đã bị Qatar từ chối và cộng đồng thế giới lên án”.

Hai thỏa thuận 2013 và 2014 tồn tại song song các căng thẳng giữa các nước trong GCC. Tháng 3-2014, Saudi Arabia, UAE, Bahrain từng rút đại sứ khỏi Qatar vì cáo buộc Qatar không thực hiện thỏa thuận năm 2013.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm