Quá nhiều chỉ trích thượng đỉnh Trump-Putin

Thượng đỉnh Mỹ-Nga giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin đã được hai nước thống nhất tổ chức vào giữa tháng 7 tới. Theo Giáo sư (GS) danh dự về nghiên cứu chính trị Nga Stephen F. Cohen tại ĐH New York và ĐH Princeton (Mỹ) trong một bài viết trên tuần báo The Nation (Mỹ) ngày 27-6, đây là lần đầu tiên trong 75 năm lịch sử một tổng thống Mỹ gặp rất nhiều phản đối khi muốn tổ chức thượng đỉnh với một tổng thống Nga.

Hạt nhân là mối quan tâm mọi thời đại

Theo GS Cohen, từng có hàng chục cuộc gặp thượng đỉnh giữa các lãnh đạo Mỹ và Liên bang Xô viết lúc trước cũng như Nga sau này kể từ thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ thứ 32 Franklin Delano Roosevelt và lãnh đạo tối cao Liên bang Xô viết Iosif Vissarionovich Stalin năm 1943 (với sự tham gia của Thủ tướng Anh Winston Churchill). Đây là thượng đỉnh đồng minh vì thời điểm này Mỹ, Anh và Nga đang cùng chiến tuyến trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Sau thời ông Roosevelt, mọi tổng thống Mỹ đều có ít nhất một cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Liên bang Xô viết hay Nga. Thậm chí một số lãnh đạo từng có nhiều hơn một cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga. Như giữa Tổng thống Mỹ thứ 34 Dwight Eisenhower với Tổng Bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchyov - người kế nhiệm ông Stalin; giữa Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan và Tổng thống Mỹ thứ 41 George H.W. Bush với lãnh đạo Liên bang Xô viết cuối cùng Mikhail Gorbachev; giữa Tổng thống Mỹ thứ 42 Bill Clinton với Tổng thống Nga đầu tiên Boris Yeltsin.

Có một chủ đề liên tục tồn tại từ kỳ thượng đỉnh giữa hai ông Eisenhower và Khrushchev thập niên 1950 đến tận thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ thứ 44 Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev năm 2009. Đó là giảm thiểu nguy hiểm từ cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Các kỳ thượng đỉnh Eisenhower-Khrushchev trong thập niên 1950 đã giúp hai bên giảm tình trạng cô lập lẫn nhau thời chiến tranh lạnh, mở ra khả năng “cùng tồn tại hòa bình”. Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ thứ 37 Richard Nixon và lãnh đạo Liên bang Xô viết Leonid Ilyich Brezhnev thập niên 1970 giúp thiết lập truyền thống hòa hoãn. Các kỳ thượng đỉnh giữa các ông Reagan-Bush-Gorbachev giúp chấm dứt chiến tranh lạnh.

Tuy nhiên, cũng có những kỳ thượng đỉnh không mang lại kết quả tốt đẹp. Như cuộc gặp giữa hai ông Clinton-Yeltsin và giữa hai ông Obama-Medvedev.

Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin khác biệt nhiều so với các kỳ thượng đỉnh Mỹ-Nga trước. Ảnh: NYMAG

Hai khác biệt tại thượng đỉnh Trump-Putin

Trở lại ông Putin, trong 18 năm lãnh đạo Nga ông Putin đã gặp ông Clinton tại Nga năm 2000 và ông George W. Bush tại Mỹ năm 2001 nhưng không để lại dấu ấn lớn.

Theo GS Cohen, thượng đỉnh Trump-Putin nếu diễn ra như dự kiến sẽ có hai điểm khác biệt so với trước đây. Thứ nhất, thượng đỉnh diễn ra khi quan hệ hai nước đang cực kỳ xấu. Thứ hai, chưa bao giờ trong lịch sử một tổng thống Mỹ lại tổ chức thượng đỉnh với một tổng thống Nga trong quá nhiều phản đối như tình huống hiện tại của ông Trump.

Chưa bao giờ trong 75 năm thượng đỉnh có một tổng thống Mỹ - với cáo buộc dính líu đến Nga trong bầu cử đã tồn tại hai năm - gặp tổng thống Nga. Theo GS Cohen, mọi thỏa thuận hai bên nếu có về an ninh Mỹ và quốc tế khả năng lớn sẽ hứng chịu chỉ trích. Nhẹ thì sẽ bị xem là “ảo tưởng lớn”, nặng thì bị xem là hành động phản bội, “làm thất vọng các đồng minh châu Âu”. Trong khi với các kỳ thượng đỉnh trước, các thỏa thuận dạng này đều được hoan nghênh.

Nếu kết quả thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Putin mang lại thỏa thuận hợp tác an ninh sẽ bị xem là tai họa. GS Cohen cũng lo ngại sẽ có nhiều nỗ lực cả công khai và không công khai ngăn chặn thượng đỉnh diễn ra. Và nếu lần thượng đỉnh này không thể diễn ra, hay các kết quả của nó không được thực hiện, cả ông Trump và Putin có thể sẽ không cố gắng lần nữa.

Với tình hình nguy hiểm trong quan hệ hai bên hiện tại, một thượng đỉnh Mỹ-Nga là rất cần thiết.

GS STEPHEN F. COHEN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm