Quan hệ thương mại Mỹ-Trung: Đòi công bằng hay kìm kinh tế?

Cho đến nay, Mỹ đã áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc (TQ) với tổng trị giá 250 tỉ USD và đã đe dọa sử dụng hàng rào thuế quan đối với hơn 267 tỉ USD hàng hóa có xuất xứ từ TQ. Trong khi đó, TQ cũng đã áp dụng thuế quan đối với hàng hóa trị giá 110 tỉ USD của Mỹ và đang đe dọa áp dụng các biện pháp định tính sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại TQ.

Các cuộc đàm phán cân não

Vào ngày 7-1, các phái đoàn chính thức từ Mỹ và TQ đã bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại tại Bắc Kinh. Ban đầu cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong hai ngày, các cuộc thảo luận kéo dài thêm một ngày sau khi nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Cố vấn kinh tế hàng đầu của TQ Lưu Hạc cũng xuất hiện bất ngờ tại các cuộc đàm phán, vốn dự định chỉ ở cấp thứ trưởng. Các cuộc thảo luận được chia thành hai lĩnh vực: “Vấn đề thương mại”, bao gồm mất cân bằng thương mại trong một số lĩnh vực nhất định và “vấn đề cơ cấu”, như chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ sở hữu trí tuệ và hàng rào phi thuế quan.

Sau các cuộc hội đàm, Bộ Thương mại TQ ra tuyên bố nói rằng các cuộc đàm phán đã được mở rộng và thiết lập một nền tảng để giải quyết các mối quan tâm của nhau. TQ sẽ mua một lượng đáng kể nông sản, năng lượng, hàng hóa sản xuất, các sản phẩm và dịch vụ khác từ Mỹ nhưng lưu ý rằng vẫn còn một số vấn đề nổi bật. Hai bên đã đồng ý tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ.

Từ ngày 30 đến 31-1, Mỹ và TQ tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp tại Washington với ông Lưu Hạc dẫn đầu phái đoàn thương mại của TQ. Trong các cuộc đàm phán, TQ đề nghị mua năm triệu tấn đậu nành của Mỹ. Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố sẽ gặp trực tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 2. Tiếp sau đó, từ ngày 11 đến 15-2, các quan chức thương mại Mỹ và TQ lại gặp nhau tại Bắc Kinh, trong đó đáng chú ý nhất là việc ông Tập trực tiếp gặp các nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ. Vào cuối cuộc đàm phán, Mỹ và TQ tiếp tục có sự khác biệt nhưng đồng ý nối lại đàm phán tại Washington vào tuần sau đó.

Hôm 21-2, các nhà thương thuyết Mỹ và TQ tiếp tục đàm phán tại Washington. Ngày hôm sau (22-2), ông Trump gặp ông Lưu Hạc trước truyền thông, bày tỏ sự lạc quan về một thỏa thuận thương mại. Đến ngày 24-2, tổng thống Mỹ tuyên bố hoãn việc tăng thuế đối với hàng hóa TQ, ban đầu được ấn định vào ngày 1-3. Mặc dù không đưa ra một thời hạn mới cụ thể nhưng ông Trump bày tỏ hy vọng rằng ông Tập sẽ đến khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida (Mỹ) trong tháng 3 để hoàn tất thỏa thuận thương mại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 12-2018. Ảnh: AFP

Mỹ tung nhiều cáo buộc vào Trung Quốc

Ông Richard Trumka, Chủ tịch của AFL-CIO, đại diện cho hơn 12 triệu công nhân đang hoạt động và đã nghỉ hưu, nói rằng TQ đã đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và “cưỡng ép để có được những tiến bộ quan trọng của Mỹ trong công nghệ”. Ông tuyên bố vào tháng 3-2018 rằng: “Thuế quan không phải là mục tiêu cuối cùng mà là một công cụ quan trọng để chấm dứt các hoạt động thương mại giết chết việc làm của Mỹ và giảm mức lương của người Mỹ”.

Các quan chức Mỹ đã cáo buộc các điệp viên và tin tặc TQ ăn cắp công nghệ quân sự nhạy cảm và hàng đầu của Mỹ, bao gồm máy bay ném bom tàng hình B-2, máy bay vận tải C-17, máy bay tấn công tàng hình F-117, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35, động cơ máy bay quân sự, máy bay trực thăng, thiết bị bay không người lái, thiết bị không người lái dưới nước, tàu khu trục, tàu đổ bộ đệm khí, tàu ngầm, tên lửa, vệ tinh, hệ thống vũ khí, robot, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, ổ đĩa thể rắn, công nghệ thông tin di động, phần mềm trong số hầu hết các loại vũ khí và công nghệ tiên tiến. 

Vào tháng 8-2017, Mỹ đã mở một cuộc điều tra chính thức về các cuộc tấn công nhằm vào tài sản trí tuệ của Mỹ và các đồng minh của họ, Mỹ ước tính thiệt hại trong các cuộc tấn công này khoảng 225-600 tỉ USD mỗi năm.

Thách thức đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc

Cuộc chiến thương mại đang đến vào thời điểm nhạy cảm đối với nền kinh tế TQ. Vì vậy, sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ, kinh tế TQ đang chậm lại.

Đáp trả những cáo buộc của Mỹ, truyền thông nhà nước TQ khẳng định thái độ của chính phủ nước này đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là rõ ràng và vững chắc; đã liên tục tăng cường bảo vệ ở cấp lập pháp, thực thi pháp luật và tư pháp; đạt được kết quả đáng chú ý.

Một số sinh viên ở ĐH Truyền thông TQ ở Bắc Kinh cho hay TQ đã tăng trưởng nhanh trong vài thập niên qua và đã thu hút sự chú ý của thế giới. Đó là lý do tại sao Mỹ có một mong muốn dùng sức mạnh kinh tế để áp chế TQ. Nhưng TQ cũng đã phản ứng mạnh mẽ đối với Mỹ và tin tưởng rằng TQ có đủ khả năng đối phó lại với Mỹ.

Tờ Thời Báo Hoàn Cầu, phụ san của Nhân Dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ, nhận định cảm giác Mỹ đố kỵ với sự trỗi dậy của TQ và đang sử dụng chiến tranh thương mại như một cách để kiềm chế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một quan điểm ngày càng phổ biến đối với một số người TQ. Cuộc chiến thương mại giữa hai nước đang khiến nhiều người ở đây cảm thấy rằng Mỹ muốn “chặn đường tiến” của TQ, còn TQ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi phía trước. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm