Ấn Độ cấm nhập 101 thiết bị quân sự, Nga-Mỹ thiệt hại nặng

Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thành lập ngân sách 7 tỉ USD để mua sắm trang thiết bị trong nước trong năm tài khóa hiện tại.

Đây được coi là bước đi nằm trong kế hoạch tự cường quốc phòng của Thủ tướng Narendra Modi. Theo hãng tin Sputnik, động thái này có khả năng tác động tới thương mại quốc phòng với các nước khác.

Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới. Ảnh: FINACIAL EXPRESS

Hôm 10-8, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thông báo lệnh cấm nhập khẩu 101 thiết bị quân sự. Số thiết bị này bao gồm các các linh kiện đơn giản và hệ thống vũ khí công nghệ cao như pháo, súng trường tấn công, tàu hộ tống, hệ thống định vị thủy âm, máy bay vận tải, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ và hệ thống radar.

Với lệnh cấm này, các hợp đồng trị giá gần 53,354 tỉ USD sẽ được chuyển sang sản xuất trong nước trong 5-7 năm tới, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ.

Lục quân và không quân Ấn Độ có thể mua các mặt hàng trị giá 17,340 tỉ USD và hải quân có thể mua thiết bị trị giá gần 18,674 tỉ USD trong bốn năm tới.

Theo Sputnik, thông báo trên có thể ảnh hưởng tới giao dịch quốc phòng giữa Ấn Độ với Nga và Mỹ. Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới và nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho New Delhi là Nga và Mỹ.

Dữ liệu của Trung tâm Stimson (Mỹ) cho biết Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ấn Độ, chiếm 9,3 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ kể từ năm 2014.

Mỹ xếp thứ hai khi đã bán vũ khí trị giá 2,3 tỉ USD cho Ấn Độ trong cùng thời gian đó.

Trong vài năm tới, các thiết bị quân sự của Nga như hệ thống phòng không S-400, tiêm kích và một hệ thống phòng thủ phản ứng nhanh sẽ được đưa vào biên chế trong quân đội Ấn Độ.

Theo ông Sameer Lalwani, chuyên gia tại Trung tâm Stimson, 86% thiết bị, vũ khí và các nền tảng hiện phục vụ trong quân đội Ấn Độ là có nguồn gốc từ Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm