Bộ trưởng Quốc phòng Anh: Sẽ đưa tàu chiến thường trực đến Biển Đông

Anh hôm 20-7 công bố kế hoạch triển khai thường trực một đội tàu hải quân đi qua Biển Đông để đến Nhật, trong bối cảnh các nước phương Tây đang tăng cường hiện diện ở khu vực Thái Bình Dương.

Đài RT dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo nước này sẽ đưa hai tàu hải quân thường trực đến các vùng biển gần Nhật vào cuối năm nay, sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Nhật và rời đi.

“Tiếp theo sau nhóm tàu sân bay, Anh sẽ triển khai thường trực hai tàu trong khu vực từ cuối năm nay” - Bộ trưởng Wallace tuyên bô trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nhật Nobuo Kishi tại Tokyo.

Ông Wallace cũng cho biết các chiến hạm Anh sẽ không đóng tại một cảng của Nhật mà sẽ tuần tra các vùng biển xung quanh, bao gồm Biển Đông.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh: REUTERS

Tàu chiến lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh, tàu sân bay Queen Elizabeth, cùng với nhóm tàu tấn công của Anh, sẽ đến Nhật vào tháng 9 để tham gia các cuộc tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Nhật.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, động thái này nhằm đối phó các hoạt động của tàu Trung Quốc trong khu vực.

Tàu sân bay Queen Elizabeth hiện được các tàu khu trục, khinh hạm và tàu hỗ trợ của Hải quân Hoàng gia Anh hộ tống, cùng với các tàu của Mỹ và Hà Lan. Vẫn chưa biết liệu các quốc gia này có tham gia cùng Anh trong việc triển khai thường xuyên tới khu vực hay không.

Nhật là đối tác chiến lược của Anh và Mỹ, đồng thời là nơi đóng quân lớn nhất của binh sĩ Mỹ ở nước ngoài. Cả ba quốc gia thường xuyên tham gia các cuộc tập trận chung với nhau, RT đưa tin.

Nói về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, ông Wallace chia sẻ: "Chúng tôi sẽ tôn trọng Trung Quốc và chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc cũng tôn trọng chúng tôi. Chúng tôi sẽ đưa tàu đến những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép".

Căng thẳng giữa Bắc Kinh với những nước láng giềng và các quốc gia phương Tây tại khu vực Biển Đông vẫn tiếp tục leo thang trong khoảng thời gian qua.

Trung Quốc kiên quyết cho rằng mình có chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải ở Biển Đông, cáo buộc phương Tây có hành vi “vô trách nhiệm” và tìm cách “gây bất ổn” trong khu vực.

Phản hồi lại, các nước phương Tây đã tuyên bố rằng yêu sách lãnh thổ “đường chín đoạn” của Trung Quốc là “bất hợp pháp” và khẳng định họ đang bảo vệ “luật quốc tế về biển và đại dương”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm