'Cá đuối' MQ-25A: Mỹ hóa giải 'vùng chết' của tên lửa Trung Quốc

Hãng tin SCMP cho biết hải quân Mỹ sắp cho lắp ráp máy bay không người lái (UAV) đầu tiên có khả năng hoạt động trên tàu sân bay. Theo SCMP, UAV này có tên gọi là "Cá đuối" MQ-25A.

Mãi từ năm 2006 đến nay, hải quân Mỹ đã cố gắng đeo đuổi phát triển các phương tiện không người lái có khả năng hoạt động trên tàu sân bay. Hải quân Mỹ mong muốn các mẫu UAV có thể đảm nhận vai trò của những máy bay ném bom tàng hình, máy bay do thám, máy bay cường kích và thậm chí là máy bay tiếp dầu.

Mẫu máy bay không người lái X-47B được thử nghiệm tiếp dầu trên không. Ảnh: Hải quân Mỹ

Hiện nay các mẫu UAV chở dầu trên không vẫn chưa thể được đưa vào hoạt động do chưa hoàn thiện được công nghệ tự động hóa tiếp dầu trên không. Thế nhưng một khi được phát triển thành công, những mẫu UAV này sẽ cung cấp cho hải quân Mỹ giải pháp then chốt để hóa giải chiến lược chống tiếp cận/ chống xâm nhập (A2AD) của Trung Quốc.

Hiện cả Trung Quốc và Nga đều đã phát triển được các hệ thống tên lửa tầm xa, có khả năng tiêu diệt những tàu sân bay của Mỹ do có tầm bắn đủ rộng để bao trùm toàn bộ phạm vi hoạt động của các tàu sân bay.

Những hệ thống tên lửa đạn đạo như "Đông Phong" DF-21D của Trung Quốc có tầm bắn lên đến hơn 1.300 km. Trong khi tầm hoạt động xa nhất của các máy bay trên tàu sân bay Mỹ chỉ có gần 900 km.

Các hệ thống DF-21D tạo ra một "vùng chết" đối với các tàu sân bay Mỹ. Hải quân Mỹ buộc phải hoạt động kém hiệu quả bên ngoài phạm vi bắn của DF-21D. Hoặc các tàu sân bay phải chấp nhận rủi ro đi vào "vùng chết" của DF-21D, đe dọa tính mạng của gần 6.000 thủy thủ và 70 máy bay trên các tàu sân bay.

Mẫu máy bay ném bom không người lái X-47B được cho hoạt động thử nghiệm trên tàu sân bay Mỹ USS Harry S. Truman. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tuy nhiên, sự xuất hiện của "Cá đuối" MQ-25A có thể giúp tăng đáng kể phạm vi hoạt động của các máy bay Mỹ. Các tàu sân bay Mỹ sẽ có khả năng hoạt động hiệu quả ở một phạm vi an toàn hơn. Một khi được đưa vào hoạt động, loại UAV này sẽ cho phép hải quân Mỹ hóa giải "vùng chết" của các hệ thống DF-21D, vô hiệu hóa chiến lược A2AD của Trung Quốc

Trả lời trên cổng thông tin của Học viện Hải quân Mỹ, Chuẩn Đô đốc Joseph Mulloy cho biết: "Có thể chúng ta sẽ cắt giảm một số thiết kế cao cấp và cố gắng cải thiện khả năng sống sót của mẫu máy bay này. Nó sẽ chủ yếu phục vụ tiếp dầu trên không nhưng cũng sẽ có một số tính năng ISR (tình báo, giám sát và do thám), được trang bị vũ khí và có khả năng chứa nhiều nhiên liệu".

Học viện Hải quân cho biết "Cá đuối" MQ-25 sẽ được chính thức đề xuất lắp ráp trong năm 2016. Dự kiến đến năm 2020, mẫu máy bay tiếp dầu không người lái này sẽ được đưa vào hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm