Hạm đội tàu không người lái Mỹ trực chiến Trung Quốc

Theo tờ Defense News, dự luật ngân sách quốc phòng vừa được Quốc hội Mỹ thông qua hôm 19-12 có điều khoản cho phép chi 209 triệu USD để đóng hai tàu không người lái cỡ lớn (LUSV) cho hải quân nước này. 

Được biết ý tưởng phát triển LUSV xuất phát sau thành công chương trình đóng tàu săn ngầm Sea Hunter năm 2016. Hai chiếc LUSV đầu tiên được cho là sẽ dựa trên thiết kế của tàu hỗ trợ xa bờ được Mỹ phát triển cho Hải quân Iraq theo chương trình bán trang bị quân sự cho nước ngoài.

Mẫu tàu hỗ trợ xa bờ của Hải quân Iraq có thiết kế mà Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng cho thiết kế tàu không người lái cỡ lớn năm 2020. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ 

Trang tin quân sự USNI News dẫn nội dung chương trình cho biết Hải quân Mỹ dự kiến đóng hai chiếc LUSV trong năm 2020, và trong tương lai sẽ thêm tám chiếc nữa để lập cái gọi là “Hạm đội bóng ma”.

Tên gọi dựa vào khả năng hoạt động độc lập và gần như hoàn toàn tự động của những tàu này. 

“LUSV sẽ được thiết kế để thực hiện hàng loạt chiến dịch tác chiến một cách độc lập hoặc liên kết với tàu chiến nổi có người lái” - USNI News khẳng định.

Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng dự định lắp hệ thống tác chiến Aegis cùng các bộ cảm biến tiên tiến cho LUSV nhằm trang bị cho các tàu này khả năng thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm nhất mà không phải lo ngại đến tính mạng của binh sĩ.

LUSV có thể chạy trước các lực lượng đặc nhiệm để rà soát các mối đe dọa. Một khi phát hiện được, LUSV có thể báo cho các tàu hộ tống được trang bị tên lửa đối không SM-6 với tầm bắn 180 km. Nhờ đó, LUSV có thể gia tăng bảo vệ cho các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ. Hải quân Mỹ còn muốn LUSV là một kho tên lửa bên ngoài có thể tự hành, hỗ trợ các tàu chiến có người lái tiếp tục chiến đấu.

Theo USNI News, động thái tăng cường đầu tư đóng LUSV của Washington là nhằm tạo ra những hệ thống có thể giúp Mỹ đảm bảo ưu thế quân sự trước các đối thủ như Trung Quốc.

Lầu Năm Góc đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa từ hai loại tên lửa đạn đạo của Trung Quốc là DF-21D và DF-26. Với tầm bắn hơn 1.500 km, DF-21D, với tên gọi là "sát thủ tàu sân bay", được phát triển với mục đích duy nhất là đối trọng với tàu quân sự Mỹ tiếp cận những khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Trong khi đó, DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới của Trung Quốc có khả năng tấn công các tàu cỡ trung và lớn trên biển, với khả năng mang cả đầu đạn hạt nhân lẫn phi hạt nhân. DF-26 được cho là có tầm bắn 3.000- 4.000 km vươn tới đảo Guam của Mỹ.
“Chúng ta phải tự vệ trước những thứ như DF-21, DF-26 và số lượng lớn tên lửa của Trung Quốc có thể vươn tới và tấn công các hạm đội Mỹ hoặc vùng lãnh thổ ở xa như Guam” - trợ lý thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Alan Shaffer nhấn mạnh hồi tháng 3-2019.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm