Số đầu đạn hạt nhân Trung Quốc có thể gấp rưỡi ước tính của Mỹ

Số lượng đầu đạn hạt nhân mà Trung Quốc đang sở hữu có thể lớn gấp rưỡi con số ước tính của Bộ Quốc phòng Mỹ, trang tin Defense News hôm 14-12 cho hay.

Theo báo cáo nghiên cứu của chuyên gia Hans Kristensen - Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS) - và cộng sự tai FAS là ông Matt Korda, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có quy mô lên tới 350 đầu đạn.

Con số này lớn hơn nhiều so với con số ước tính trong một báo cáo hồi tháng 9 của Lầu Năm Góc rằng chính quyền Bắc Kinh chỉ có hơn 200 đầu đạn hạt nhân. Hai ông Kristensen và Korda cũng lưu ý rằng báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã khiến một số nhà quan sát bất ngờ vì con số được công bố thấp hơn nhiều so với những dữ liệu mà nhiều chuyên gia đã ước tính trong nhiều năm qua.

Từ giữa tháng 6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đã công bố báo cáo thường niên, ước tính Trung Quốc đang sở hữu 320 đầu đạn hạt nhân. Có nghĩa là ước tính của hai ông Kristensen và Korda không khác biệt nhiều so với quan sát của SIPRI. 

Đông Phong 26 (DF-26) - một loại tên lửa đạn đạo của Trung Quốc có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ảnh: FAS

Theo báo cáo của hai chuyên gia thuộc FAS, các đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc có thể được trang bị trên tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất (258 đầu đạn), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (72 đầu đạn) hoặc các loại bom lắp trên máy bay ném bom H-6 (ít nhất 20 đầu đạn).

Hai chuyên gia này lưu ý rằng các con số đã bao gồm cả những đầu đạn hạt nhân đang được triển khai và những đầu đạn sẽ được lắp vào các loại vũ khí mới "còn đang trong quá trình phát triển".

Trong đó, số lượng đầu đạn hạt nhân mà Trung Quốc đã triển khai trong các đơn vị quân đội nước này lần lượt là 204 đầu đạn cho tên lửa phóng từ mặt đắt, 48 đầu đạn cho tên lửa phóng từ tàu ngầm và 20 đầu đạn cho các loại bom thả từ trên không.

Báo cáo này cũng cho biết nhiều năm qua, Trung Quốc đã đặt mục tiêu phát triển một loại tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để trang bị cho máy bay H-6. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chưa có thông tin rõ ràng về tiến độ thực hiện kế hoạch này.

Với 350 đầu đạn hạt nhân, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc "vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ so với kho vũ khí của Mỹ và Nga" - ông Kristensen và ông Korda nhận xét. Washington và Moscow đều đang sở hữu lên tới hàng ngàn đầu đạn hạt nhân.

Dẫn lại lời của đặc phái viên của tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, ông Marshall Billingslea, hai tác giả cho rằng tham vọng của Trung Quốc về việc xây dựng lực lượng hạt nhân "sánh ngang" với Mỹ và Nga "dường như không có cơ sở thực tế".

Báo cáo cũng dẫn lại nghi ngờ của Washington rằng Trung Quốc đã bí mật thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất. Ông Kristensen và ông Korda cho rằng nghi ngờ này không có bằng chứng rõ ràng và đồng thời, Trung Quốc được cho là không có lợi khi hành động như vậy.

Nếu thực sự thử nghiệm hạt nhân, Trung Quốc sẽ vi phạm Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) mà nước này đã ký kết (nhưng chưa phê chuẩn). Ông Kristensen và ông Korda cũng không chắc chắn liệu cơ hội các vụ thử như vậy có đem lại ưu thế quân sự cho Bắc Kinh hay không. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm