So sánh cơ hội chiến thắng giữa 'Chim ăn thịt' F-22 Raptor và PAK FA

Theo đánh giá của The National Interest, Mỹ đã có lợi lớn khi F-22 đã được đưa vào sử dụng hơn 10 năm, trong khi “các đối thủ" của nó hiện vẫn ở giai đoạn thử nghiệm. Dù vẫn chưa có “đối thủ cùng đẳng cấp” ở hiện tại, nhưng trong tương lai, F-22 có thể sẽ phải đối đầu với đối thủ xứng tầm như FAK FA hay J-20, trong đó máy bay thế hệ 5 của Nga được coi là đối thủ nguy hiểm.
Nguyên mẫu máy bay PAKFA (ảnh trên) và Chim ăn thịt F-22 (ảnh dưới).
Nguyên mẫu máy bay PAKFA (ảnh trên) và Chim ăn thịt F-22 (ảnh dưới).

Nguyên mẫu máy bay PAKFA (ảnh trên) và Chim ăn thịt F-22 (ảnh dưới).

Tờ The National Interest nhận định, dù vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng PAK FA với nhiều nét của công nghệ hàng không Liên Xô sẽ là “đối thủ không dễ chơi” đối với F-22.

Về nguyên tắc, F-22 và PAK FA đều có mục tiêu chính là giành ưu thế trên không dựa trên các thông số về tốc độ bay, trần bay và khả năng tàng hình. Tuy nhiên, người Nga lại có cách tiếp cận riêng của mình.

Xét về khả năng tàng hình, trong khi F-22 được thiết kế với khả năng tàng hình ở mọi góc độ, còn PAK FA chỉ ưu tiên ở bán cầu phía trước máy bay. Chuyên gia Mỹ so sánh khả năng tàng hình của F-22 như một con nhện rình mồi, đối thủ sẽ chỉ phát hiện ra nó khi đã… quá muộn để lẩn tránh hay đánh trả. Về yếu tố này, F-22 có nhiều điểm vượt trội so với PAK FA.

Về tốc độ, hiện rất khó có thể so sánh khi PAK FA chưa được trang bị động cơ phản lực mới. Mặc dù các nguyên mẫu PAK FA trang bị động cơ “Sản phẩm 117” đã thể hiện rất tốt, nhưng chỉ khi nào sở hữu động cơ “Sản phẩm 30”, PAK FA mới tận dụng được hết tính năng bay của khung thân máy bay.

Còn ở thời điểm hiện tại, cả F-22 và các nguyên mẫu PAK FA đều có khả năng bay hành trình siêu âm. Máy bay thế hệ 5 của Mỹ có thể đạt tốc độ Mach (tốc độ âm thanh) 1.8, mà không cần chế độ đốt tăng lực để tiết kiệm nhiên liệu, còn PAK FA có thể đạt không dưới Mach 1.6. Trần bay của cả hai máy bay tương đương nhau vào khoảng 20.000m. Người Mỹ giới hạn tốc độ tối đa của Chim ăn thịt F-22 ở ngưỡng Mach 2 để đảm bảo hiệu năng của lớp phủ và vật liệu tàng hình và tốc độ bay tối đa của máy bay Nga cũng có thể tương tự.

Một điểm vượt trội của PAK FA so với F-22 là khả năng thao diễn trên không. Nhờ động cơ có khả năng thay đổi vector lực đẩy ba chiều, PAK FA có thể thực hiện những động tác bay khó, thậm chí là không tưởng. Ngoài ra, công nghệ mũ phi công điều khiển tích hợp đã hoàn thiện cũng giúp phi công Nga có lợi thế. PAK FA hiện là dòng máy bay đầu tiên trên thế giới có khả năng phóng tên lửa góc rộng ngoài tầm nhìn của phi công.

Trong khi đó, tới năm 2017, Chim ăn thịt F-22 mới được trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn thế hệ mới AIM-9X có chức năng tương tự. Do những vướng mắc về công nghệ, mũ phi công điều khiển tích hợp mới của Chim ăn thịt chỉ xuất hiện vào năm 2020. Tuy nhiên, người Mỹ tự “an ủi” mình khi nhận định, với những khó khăn kinh tế hiện nay của Nga, PAK FA sẽ không sớm xuất hiện như dự kiến vào năm 2016.

Điểm cuối cùng là hệ thống điện tử trên khoang, F-22 hoàn toàn vượt trội nhờ kết hợp giữa hệ thống cảm biến và thiết bị hiện thị thông tin cho phi công. Máy bay PAK FA không có hệ thống tương tự, nhưng lại có đặc điểm thân thiện với phi công và dễ làm quen như khoang lái trên máy bay Mig-29. Máy bay Nga cũng có phần lợi thế hơn về hệ thống ra-đa hàng không và đối kháng điện tử trên máy bay.

Với những tính năng được so sánh, Tờ The National Interest nhận định, nếu xét tiêu chí tàng hình lên hàng đầu, F-22 thực sự có lợi thế hơn PAK FA trong không chiến. Còn nếu thông tin về khả năng tàng hình của F-22 không đạt như quảng cáo của quân đội Mỹ, thì Chim ăn thịt nhiều khả năng sẽ trở thành con mồi… bị thịt. Tuy nhiên, không chiến vẫn có quy luật của nó, không phải cứ có thông số kỹ thuật mạnh hơn là chiến thắng.

Theo TUẤN SƠN/QĐND Online (tổng hợp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm