Tàu ngầm Đông Nam Á: Là cuộc đua hay buộc phải có?

Đầu năm 2014, Việt Nam chính thức gia nhập “câu lạc bộ tàu ngầm” của các quốc gia thuộc Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) với chiếc tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất dưới cái tên Hà Nội đã cập cảng trong nước. Cách đây không lâu, Jakarta bày tỏ sự quan tâm đối với một số mẫu tàu ngầm của Nga và tàu thuyền của Hàn Quốc. Trong tháng 11/2013, Singapore đã ký hợp đồng đóng tàu với tập đoàn ThyssenKrupp của Đức nhằm phát triển thế hệ tàu Type – 218SG, hai chiếc đầu tiên dự kiến sẽ đưa vào phục vụ năm 2020.

Nhiều nước ASEAN khác tỏ ra quan tâm tới việc tăng cường khả năng tham chiến trên biển, tuy nhiên bị hạn chế về ngân sách. Như Thái Lan, dù chưa có tàu ngầm, quốc gia này vẫn đang tiến hành xây dựng các căn cứ hỗ trợ tàu ngầm và các cơ sở đào tạo chuẩn bị cho tương lai. 

Hải quân Philippines hiện nay cũng đã nhắm đến tàu ngầm, tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp, hiện lực lượng này tập trung tăng cường cho lục quân và hải-không quân với khả năng tác chiến chống ngầm để thay thế cho năng lực tàu ngầm.  

Đông Nam Á đang “đua tàu ngầm”?

Hàng loạt các vụ mua tàu ngầm đang và dự kiến được tiến hành đều tiến tới nỗ lực hiện đại hóa hải quân Đông Nam Á hiện nay có thể khiến giới quan sát nghĩ ngay đến sự hồi sinh của một “cuộc đua tàu ngầm” trong khu vực. Các báo cáo của các nhà hoạch định quốc phòng và hải quân của khu vực dường như đều ám chỉ đến điều này.

Tàu ngầm Type – 218SG của Đức được cho là đang trong tầm ngắm của Singapore
Tàu ngầm Type – 218SG của Đức được cho là đang trong tầm ngắm của Singapore

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro đã đưa ra báo cáo nhận xét rằng việc mua tàu ngầm là một tín hiệu cam kết của Jakarta nhằm “theo kịp với các thành viên ASEAN khác". Bangkok cũng đề cập đến chương trình tàu ngầm của các lực lượng hải quân Đông Nam Á láng giềng khi nhấn mạnh tầm quan trọng của các tàu ngầm trong lực lượng hải quân của nước này.

Tuy nhiên, các chỉ dẫn kỹ thuật và vấn đề địa chính trị đã chỉ ra rằng không có “cuộc đua tàu ngầm” nào tồn tại, thậm chí là cả những tín hiệu về hiện tượng như vậy có thể xảy ra trong tương lai gần cũng không có. Bất kỳ tác động tiêu cực của việc phát triển tàu ngầm ở Đông Nam Á xuất hiện đều được hiểu chỉ là đối trọng của xu hướng gia tăng hợp tác trong lĩnh vực tàu ngầm ở khu vực.

Khả năng tàu ngầm là nền tảng quan trọng

Rõ ràng các nhà khai thác tàu ngầm trong khu vực đang cố gắng tạo ra một lực lượng hiệu quả, bền vững để bảo vệ quốc gia của họ và việc phát triển khả năng tàu ngầm là một tiêu chí quan trọng. Tuy vậy, không có dấu hiệu nào cho thấy sự mở rộng nhanh chóng của lực lượng tàu ngầm.

Năm 2016, Việt Nam mới bổ sung được 6 chiếc tàu ngầm, Indonesia có 3 chiếc trong thời gian tương tự trong khi hai chiếc tàu ngầm Type-209 có thể được cho ngừng hoạt động do lão hóa. Singapore cũng cho nghỉ hưu những chiếc lớp Challenger đã có trước đây và sẽ sắm hai chiếc lớp Archer “dùng tạm” trước khi những chiếc Type 218SG đầu tiên ra mắt.

Trong ngắn hạn, số lượng tàu ngầm ở Đông Nam Á sẽ vẫn ổn định với việc các tàu mới sẽ thay thế các tàu cũ già cỗi chứ không có nhiều hợp đồng mua bán tàu ngầm mới số lượng lớn, chủ yếu là phụ thuộc vào sức khỏe của các nền kinh tế hiện nay chưa cho phép sắm sửa tràn lan.

Cũng không có dấu hiệu nào về một cuộc đua cải tiến chất lượng tàu ngầm. Hầu hết các tàu thế hệ mới được phát triển đều cung cấp tên lửa chống ngầm như là một phần tùy chọn của toàn bộ gói sản phẩm. Đây là một xu hướng quốc tế trong phổ biến vũ khí hiện đại của công nghệ tàu ngầm và không dành riêng cho bất kỳ khu vực nào.

Tuy nhiên, tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm (SLCM) cho các mục đích tấn công mặt đất lại là một trò chơi mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Đây là loại vũ khí có khả năng gây bất ổn, đặc biệt được phóng từ một bệ phóng tàng hình như tàu ngầm và có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ các quốc gia khác. Hiện nay, dù nhiều quốc gia đã mua sắm SLCM, nhưng chưa có lực lượng hải quân nào ở Đông Nam Á xem xét nghiêm túc khả năng này. Cũng chưa có quốc gia ASEAN nào sở hữu các tên lửa công nghệ điều khiển hiện đại có tải trọng 500kg và phạm vi tối thiểu 300km.

Nền tảng địa chính trị

Quan trọng hơn cả trong một “cuộc đua tàu ngầm” chính là cái cớ. Hiện tại, khó có một khoảng trống chính trị - thường dẫn đến cuộc đua vũ khí như là hậu quả của những căng thẳng chính trị xoắn ốc cổ điển - xảy ra. Môi trường địa chính trị ở Đông Nam Á luôn căng thẳng trong nhiều thập kỷ trước đây với các cuộc tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền trên biển. Tuy nhiên, từ những năm 2000, các nước trong khu vực đã giải quyết một cách hữu nghị hầu hết các tranh chấp hàng hải thông qua thủ tục tố tụng pháp luật quốc tế. Các vấn đề biên giới biển cũng được giải quyết song phương, ví dụ các thỏa thuận đạt được trong năm 2011 giữa Indonesia và Việt Nam đã cùng nhau xác định hành lang đánh cá chung trong vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn (EEZ).

Với những cố gắng hết mình, ASEAN đã cùng nhau cam kết hướng tới một cộng đồng, một cấu trúc địa chính trị ổn định, tránh khỏi sự đe dọa hoặc việc sử dụng vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp. ASEAN cũng phấn đấu để duy trì vị thế điều khiển cấu ​​trúc an ninh của khu vực.

Indonesia cũng đang rất mong muốn củng cố hạm đội tàu ngầm của mình.
Indonesia cũng đang rất mong muốn củng cố hạm đội tàu ngầm của mình.

Các nước Đông Nam Á hiện đang tăng cường hợp tác giữa các lực lượng hải quân. Indonesia và Singapore thiết lập một đội cứu hộ tàu ngầm và thỏa thuận hợp tác trở lại trong năm 2012, theo sau là một hiệp ước tương tự giữa Singapore và Việt Nam vào năm 2013. Các nỗ lực song phương dần đang trở thành hợp tác đa phương trong khu vực, chẳng hạn như cuộc tập trận Pacific Reach – một cuộc tập trận cứu hộ tàu ngầm đa quốc gia từ năm 2000 hay Hội nghị tàu ngầm châu Á – Thái Bình Dương (APSC) từ năm 2001.

Đây được xem như là một nền tảng được thiết kế để thúc đẩy hợp tác và tin tưởng lẫn nhau giữa những quốc gia khai thác tàu ngầm, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy sự tham gia đa phương rộng lớn hơn và thỏa thuận hợp tác được thể chế hóa trong tương lai, mô hình trên tương tự với Nhóm công tác cứu hộ và giải cứu tàu ngầm NATO (SMERWG).

Mối quan tâm đến tàu ngầm sẽ vẫn còn tiếp tục gia tăng trong tương lai, ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu sản xuất nhằm bù đắp sự thiếu hụt công suất dự kiến. Mô hình phổ biến vũ khí này sẽ tiếp tục trong tương lai gần. Tuy vậy, hẵng còn xa để nói về một “cuộc đua tàu ngầm” ở Đông Nam Á.

Theo Phan Sương (Infonet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm