Tàu ngầm Mỹ sẽ 'khắc chế' sức mạnh quân sự Nga, Trung?

Sự trở lại ngoạn mục

Theo AFP, từ chỗ hầu như bị quên lãng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tàu ngầm đã có sự quay trở lại ngoạn mục và trở thành vũ khí chiến lược của Hải quân các nước trên thế giới.

tau ngam my se "khac che" cua suc manh quan su cua nga, trung? hinh 0
Tàu ngầm lớp Virginia USS Florida của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Quân đội các nước châu Á, Nga và Mỹ gần đây liên tục phát triển, mua sắm và điều động các tàu ngầm tham gia vào các chiến dịch quân sự của mình. Điều này là bởi, các nước đã nhận ra rằng, ngay cả những tàu chiến và máy bay chiến đấu tốt nhất cũng có thể bị bắn hạ bằng tên lửa diệt hạm và tên lửa phòng không.

Chuyên gia Bryan Clark tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Tài chính có trụ sở tại Washington nhận định: “Hải quân các nước đang tập trung phát triển năng lực của các hạm đội tàu ngầm để tiến hành các chiến dịch Hải quân”.

Xu hướng này đặc biệt rõ ràng tại châu Á, nơi Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân đội trên quy mô lớn. Trung Quốc đã củng cố mạnh mẽ năng lực phòng thủ trên biển và năng lực phòng không để ngăn tàu chiến các nước tiến gần bờ biển nước này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nỗ lực thành lập một hạm đội tàu ngầm tấn công với khoảng 50 tàu ngầm chạy diesel và 5 tàu ngầm hạt nhân.

Trong khi đó, Australia trong năm 2016 đã ký hợp đồng mua 12 tàu ngầm tấn công Barracuda phiên bản không sử dụng vũ khí hạt nhân của Pháp. Nhật Bản được cho là sẽ tăng số lượng tàu ngầm chạy diesel từ 18 hiện nay lên 22 vào năm 2018. Ấn Độ, Indonesia và Malaysia cũng đều đang tập trung phát triển hạm đội tàu ngầm của mình.

Mỹ lo ngại mối đe dọa từ tàu ngầm Nga, Trung Quốc

Bản thân Hải quân Mỹ cũng đang tiến hành xem xét lại toàn bộ hạm đội tàu ngầm của nước này. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hạm đội Hải quân ở Biển Đông và nhấn mạnh, Mỹ cần điều thêm nhiều tàu ngầm tấn công đến khu vực.

Trong khi đó, Tướng Philip Breedlove, cựu Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự trước động thái cải tạo và đóng mới các tàu ngầm của Nga dưới thời Tổng thống Nga Putin.

Không chỉ tham gia vào nhiệm vụ tấn công, các tàu ngầm của Mỹ và các nước đối thủ, các tàu ngầm của Mỹ còn có thể đóng vai trò thu thập thông tin tình báo, lấy dữ liệu về hạm đội tàu của địch và giám sát những gì đang diễn ra trên đất liền.

Các chuyên gia cho biết, Mỹ hiện đang sử dụng tàu ngầm để theo dõi sát sao mọi động thái của Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Trong trường hợp nổ ra chiến tranh, các tàu ngầm này có thể vô hiệu hóa toàn bộ hạm đội của địch cũng như phóng tên lửa hành trình “quét sạch” các mục tiêu gần bờ và trên đất liền của địch.

Sức mạnh hủy diệt của các tàu ngầm Mỹ được thể hiện rõ ràng vào năm 2011, khi tàu USS Florida nã tới 90 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào Libya nhằm vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống phòng không của nước này ngay khi bắt đầu chiến dịch lật đổ nhà độc tài Muammar Gaddafi.

Các tàu ngầm của Nga cũng không chịu thua kém. Tháng 12/2015, các tàu ngầm của nước này liên tục phóng tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu IS ở Syria với độ chính xác được Bộ Quốc phòng Nga công bố là “đáng kinh ngạc”.

Sức mạnh đáng sợ của tàu ngầm Nga đã khiến Hải quân Mỹ buộc phải trì hoãn kế hoạch giảm số lượng tàu ngầm tấn công hạt nhân của nước này. Theo đó, số tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đã giảm từ 100 trong những năm 80 của thế kỷ trước xuống 53 hiện nay và dự định giảm xuống còn 40 vào năm 2029. Thậm chí, Hải quân Mỹ còn tính đến việc tiếp tục đóng thêm 2 tàu hạt nhân mỗi năm thay vì giảm dần mỗi năm một tàu kể từ năm 2021.

Tàu ngầm tương lai- “hàng không mẫu hạm” thu nhỏ

Không chỉ tìm cách tăng số lượng tàu ngầm, Mỹ còn đang nỗ lực duy trì ưu thế về công nghệ để tạo ra ưu thế rõ rệt so với tàu ngầm của Nga và Trung Quốc.

Theo đó, đến năm 2019, Hải quân Mỹ sẽ trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia một hệ thống phóng đặc biệt có thể phóng và thu hồi lại các thiết bị lặnkhông người lái được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh Hải quân hiện đại.

“Các tàu ngầm khi đó sẽ giống như các hàng không mẫu hạm thu nhỏ có thể mang được rất nhiều loại tên lửa và các thiết bị lặn không người lái khác nhau. Khi đó, tàu ngầm sẽ đóng vai trò là phương tiện vận chuyển vũ khí nhiều hơn là một vũ khí chiến lược”, chuyên gia Bryan Clark giải thích.

Các thiết bị lặn không người lái khi đó sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ trinh sát và tấn công bởi chúng có khả năng tiếp cận gần kẻ thủ hơn các tàu ngầm chở chúng.

Hồi tháng 7/2015, tàu USS North Dakota đã thử nghiệm thành công việc phóng và thu hồi một thiết bị lặn không người lái ở Địa Trung Hải. Chuyên gia Clark cho biết, hầu hết các thiết bị lặn không người lái mà Hải quân Mỹ đang phát triển có kích thước như một quả ngư lôi và có thể hoạt động trong vòng 1 ngày.

Tuy nhiên, Hải quân Mỹ cũng đang thực hiện 2 dự án phát triển thiết bị lặn không người lái với kích cỡ lớn hơn. Một trong 2 thiết bị lặn đầu tiên sẽ có chiều dài 7,5m và rộng 53cm và có khả năng hoạt động trong suốt một tháng trời./.

Trần Khánh/VOV.VN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm