Thổ Nhĩ Kỳ nói mua S-400 của Nga để bảo vệ 82 triệu dân

Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hôm 8-3 khẳng định việc triển khai các hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga sẽ bắt đầu trong tháng 10 này. Ông Akar một lần nữa bảo vệ quyết định mua S-400 của Nga.

“Chúng tôi phải bảo vệ 82 triệu người dân”, ông Akar nhấn mạnh.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar. Ảnh: REUTERS

Thổ Nhĩ Kỳ đã bất chấp cảnh báo từ Mỹ - một đồng minh NATO, quyết tâm mua S-400 của Nga. Washington đã cố gắng thuyết phục Ankara từ bỏ hệ thống phòng không của Moscow cùng với những đe dọa như trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, không bán tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ viện lý do S-400 không tương thích với các hệ thống của NATO.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 7-3 tuyên bố nước này không từ bỏ hợp đồng tên lửa S-400 với Nga, thậm chí có thể xem xét mua tổ hợp S-500 cũng do Nga sản xuất trong tương lai.

“Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đạt được thỏa thuận, nhiều khả năng chúng tôi sẽ chia sẻ công nghệ để hợp tác sản xuất tên lửa phòng không. Có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét lựa chọn mua các hệ thống S-500 sau khi hoàn tất hợp đồng S-400", hãng tin TASS dẫn lời ông Erdogan hôm 7-3 nói trong một cuộc phỏng vấn.

Tổng thống Erdogan tái khẳng định Ankara sẽ không từ bỏ hợp đồng mua các tổ hợp phòng không tầm xa S-400 từ Moscow, cho biết đây là thỏa thuận đã được thống nhất, bất chấp những lời đe dọa từ Washington.

Thổ Nhĩ Kỳ hồi giữa năm ngoái cũng đề xuất hợp tác sản xuất các hệ thống S-500 cùng Nga, nhưng Ankara không tiết lộ thời điểm cũng như phản ứng của Moscow với đề xuất này.

Mỹ dọa hậu quả nghiêm trọng

Lầu Năm Góc ngày 8-3 cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gánh hậu quả nghiêm trọng nếu tiến hành mua hệ thống S-400 do Nga sản xuất, theo hãng tin CNN.

“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 thì sẽ có ‘hậu quả nghiêm trọng’ cho Thổ Nhĩ Kỳ”, phát ngôn viên Charles Summers nói với báo giới hôm 8-3, và cho biết thêm rằng điều này sẽ làm suy yếu mối quan hệ quân sự của Washington với Ankara.

Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: SPUTNIK

Ông Summers giải thích thêm những hậu quả nghiêm trọng mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gánh chịu bao gồm Mỹ không bán tiêm kích tàng hình F-35 và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ. Đây dường như là lần đầu tiên Lầu Năm Góc nói rõ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không được phép mua F-35 nếu mua S-400 của Nga.

Đầu tuần này, tướng Mỹ Curtis Scaparrotti, chỉ huy quân đội NATO, nói trước Quốc hội Mỹ rằng Washington nên hủy bỏ việc bàn giao F-35 nếu Ankara vẫn tiến hành vụ mua S-400 của Nga.

Kế hoạch mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ được xem là mối quan ngại lớn trong toàn bộ liên minh NATO. Washington tuyên bố việc Ankara triển khai vũ khí do Nga sản xuất cùng các vũ khí do Mỹ sản xuất như máy bay tàng hình F-35, gây tổn hại tới “khả năng tương tác” của liên minh và nguy cơ lộ các bí mật cho Nga. 

 

S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa và tầm trung mới được nước Nga sử dụng năm 2007. Chúng được thiết kế để phá hủy máy bay, tên lửa hành trình và đạn đạo, và có khả năng tấn công các cơ sở trên đất liền.

S-400 có thể hạ gục các mục tiêu khoảng cách lên tới 400km và độ cao tối đa 30km, thậm chí ngay cả khi lực lượng đối địch tung ra hỏa lực mạnh mẽ và biện pháp tác chiến điện tử.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

(PLO) - Những hệ thống phòng không Nga không được thiết kế để đối phó các cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam, mà là để đối phó các cuộc tấn công của NATO ở phía tây.