Tiêm kích Nga bắt đầu thống trị khu vực Trung Đông-Bắc Phi khi Mỹ rút quân

Nga đang nhắm đến việc nắm bắt khoảng trống chính trị ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Iraq.

Theo trang tin The EurAsian Times, Nga đang lựa chọn con đường xuất khẩu quân sự như một chiến lược để lấp khoảng trống từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, đồng thời phá vỡ phạm vi ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại của phương Tây, Moscow dần dần hợp tác với các nước Trung Đông và Bắc Phi để bán hàng xuất khẩu quân sự của nước mình.

Tiêm kích Su-35 của Nga. Ảnh: Asia Times

Theo dữ liệu được công bố gần đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nhập khẩu vũ khí của Trung Đông tăng 25% trong giai đoạn này, chủ yếu là từ các nước Saudi Arabia (tăng 61%), Ai Cập (tăng 136%) và Qatar (tăng 361%).

Trong khi Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí hớn thứ hai thế giới sau Mỹ thì xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm 22% (gần bằng mức của giai đoạn 2006-2010).

Để thu hẹp khoảng cách, Nga đang thúc đẩy hoạt động buôn bán vũ khí trong khu vực Trung Đông - Bắc Phi khi dữ liệu cho thấy Moscow đã tăng cường đáng kể nguồn cung vũ khí cho Trung Quốc, Algeria và Ai Cập trong giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020.

Thị trường vũ khí ở khu vực Trung Đông- Bắc Phi

SIPRI nhấn mạnh rằng các quốc gia Trung Đông nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn 2016-2020 cao hơn 25% giai đoạn 2011-2015. Mỹ vẫn duy trì vị thế độc quyền của mình trong khu vực khi 47% các chuyến chuyển giao vũ khí của Mỹ đi đến Trung Đông.

Saudi Arabia – nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới đã tăng cường mua vũ khí lên 61% và Qatar tăng 361%. Tuy nhiên, nhập khẩu vũ khí của đối thủ nặng ký khác trong khu vực – Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) giảm 37% trong cùng kỳ.

Trực thăng tấn công Ka-52 của Nga. Ảnh: TWITTER

Nhập khẩu vũ khí của Ai Cập tăng 136% trong giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020. Báo cáo lưu ý việc nước này đã đầu tư mạnh vào các nguồn lực hải quân do các tranh chấp hàng hải.

Hồi tháng 2, Nga thông báo Ai Cập đã nhận năm máy bay chiến đấu đa nhiệm hiện đại Sukhoi Su-35. Đây là lô đầu tiên trong đơn đặt hàng 24 chiếc trong thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD.

Một thỏa thuận khác trị giá 3,5 tỉ USD đã được Nga và Ai Cập ký kết, theo đó Moscow cung cấp cho Cairo 46 trực thăng tấn công Ka-52 và 46 máy bay chiến đấu MiG-29.

Algeria, khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi đã tăng nhập khẩu vũ khí lên 64% so với giai đoạn 2011-2015.

Một yếu tố chính cho sự gia tăng này là thỏa thuận nâng cấp máy bay ném bom hạng nhẹ Su-34 của Nga. Algeria cũng được cho quan tâm tới tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Su-57 của Nga.

Nga tận dụng “hòa bình lạnh” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây

Một người chơi quan trọng khác trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia bị mắc kẹt giữa cuộc cạnh tranh vũ khí Mỹ-Nga. Mỹ đã gạt Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khỏi chương trình phát triển tiêm kích thế hệ thứ năm F-35 để đáp trả việc Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mua S-400 và được dự đoán là khách hàng tiềm năng của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm Checkmate mà Nga ra mắt hôm 20-7. Thổ Nhĩ Kỳ còn bày tỏ sự quan tâm với hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 mới nhất của Nga.

Tiêm kích mới Checkmate của Nga tại triển lãm hàng không MAKS-2021. Ảnh: TWITTER

“Các đối tác từ Trung Đông, Đông Nam Á và Mỹ Latinh đã bày tỏ quan tâm với máy bay chiến đấu mới Checkmate tại triển lãm hàng không MAKS 2021” – Giám đốc điều hành Tổng công ty hàng không vũ trụ Nga United Aircraft Corporation, ông Yuri Slyusar nói với hãng tin TASS.

SIPRI lưu ý nhập khẩu vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 59% trong giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 do Mỹ ngừng bàn giao máy bay chiến đấu F-35 cho nước này trong năm 2019.

Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tăng cường sản xuất vũ khí chính trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. The EurAsian Times trước đó đưa tin một phần năng lực quân sự được đổi mới của nước này là nâng cấp ngành công nghiệp quốc phòng bản địa, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công trong việc khai thác công nghệ máy bay không người lái.

Máy bay chiến đấu không người lái được xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các cuộc xung đột khu vực, bao gồm ở Libya, Iraq, Syria và gần đây là tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa Armernia và Azerbaijan.

Giới chuyên gia cho rằng với “hòa bình lạnh” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây, Nga có thể tận dụng cơ hội này để lấp khoảng trống và liên minh với một đối tác NATO.

Nga đang đề nghị hợp tác phát triển tiêm kích Su-57 với Thổ Nhĩ Kỳ. Họ sẽ dồn hết sức lực để hợp tác quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ” – Giáo sư Aref Alobeid tại Học viện quân sự Hellenic (Hy Lạp) nhận xét.

Nga cũng đã đề nghị mở các cuộc đàm phán chính thức với Thổ Nhĩ Kỳ để phát triển tiêm kích thế hệ thứ năm TF-X do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm