Tiêm kích tàng hình có thể lỗi thời khi Mỹ, Trung Quốc thực hiện động thái này

Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau trong việc trang bị cho máy bay chiến đấu tương lai của họ những vũ khí thời đại mới. Gã quốc phòng khổng lồ Lockheed Martin của Mỹ được cho đang phát triển phiên bản mini tia laser HELIOS (laser năng lượng cao tích hợp bộ làm chói và giám sát quang học), đủ nhỏ để gắn lên một máy bay chiến đấu.

Ba tiêm kích F-15E Strike Eagles của không quân Mỹ bắn pháo sáng tại thao trường Utah năm 2018. Ảnh: AIRMAN 1ST CLASS CODIE TRIMBLE/ U.S. AIR FORCE

HELIOS đang được phát triển cho hải quân Mỹ, sẽ được triển khai trên tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke vào cuối năm 2021.

Theo các chuyên gia quân sự, máy bay chiến đấu thế hệ thứ sau của Mỹ, gọi là NGAD hay Thống lĩnh hàng không thế hệ kế tiếp, có thể là tiêm kích để gắn hệ thống laser thu nhỏ này.

Công nghệ laser

Một hệ thống laser có nhiều lợi thế vì nó cung cấp độ chính xác hơn so với súng, pháo và có nguồn đạn dược không giới hạn so với số lượng tên lửa hạn chế mà một máy bay chiến đấu đang mang.

Gọi đây là bước nhảy vọt kết tiếp, ông Tony Wilson – phi công thử nghiệm tiêm kích F-35 của Lockheed Martin nói rằng một tiêm kích thế hệ thứ sáu nên là một nền tảng mà chúng tôi không chỉ tích hợp khả năng tàng hình với cảm biến mà còn bổ sung những thứ như vũ khí năng lượng định hướng (directed energy weapons), điều khiển máy bay không người lái được triển khai thành bầy đàn (drone swarm), theo chuyên san quân sự National Interest.

Nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin lên ý tưởng về một hệ thống laser chống tên lửa được bắn từ tiêm kích F-16.Ảnh: Breaking Defense

Theo các chuyên gia, laser có khả năng khiến không chiến tầm gần truyền thống trở nên lỗi thời, vì một tiêm kích được trang bị vũ khí laser có thể tiêu diệt mục tiêu ngay lập tức mà không cần phải bắn tiếp.

Tuy nhiên, tia laser trên không tinh vi và phức tạp hơn nhiều so với hệ thống laser trên mặt đất, đặc biệt là khi chúng được gắn trên một tiêm kích siêu thanh. Khi hoạt động trên một máy bay chiến đấu, vũ khí laser sẽ cần nhiều điện hơn và bảo trì thường xuyên do đi qua bụi, nước và các hạt băng.

The EurAsian Times từng đưa tin về một nỗ lực tương tự của không quân Mỹ, theo đó không quân Mỹ đã lên kế hoạch trang bị hệ thống laser SHIELD của Lockheed Martin cho các máy bay chiến thuật trong vòng năm năm tới.

Chương trình Thống lĩnh hàng không thế hệ kế tiếp (NGAD) của Mỹ

Theo chương trình NGAD, không quân Mỹ đang phát triển một “gia đình các hệ thống” để đến những năm 2030 đạt được ưu thế trên không và phát triển công nghệ tàng hình, vũ khí hiện đại. Máy bay chiến đấu tàng hình đa năng vẫn là trụ cột của NGAD.

The EurAsian Times trước đó cho biết Mỹ đang phát triển máy bay NGAD để phù hợp với thực tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi trở thành trọng điểm trong chính sách đối ngoại và chiến lược của Mỹ.

Những chi tiết mới được tiết lộ gần đây cho biết tiêm kích NGAD sẽ giám sát các hoạt động của không quân Mỹ tại Đông Á và châu Âu.

Phòng thí nghiệm nghiên cứu của không quân Mỹ công bố ý tưởng thiết kế tiêm kích thế hệ thứ sáu theo chương trình NGAD. Ảnh: The EurAsian Times

Mỹ đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên một nguyên mẫu hồi tháng 9 năm ngoái và từ đó có rất ít chi tiết được công khai.

Trong ngân sách tài khóa 2022 của không quân Mỹ, Tướng Charles Q. Brown – Tham mưu trưởng không quân Mỹ đã xác định “thống lĩnh trên không” là vai trò chủ yếu của máy bay nhưng cũng sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất.

Vì vũ khí năng lượng định hướng yêu cầu nhiều năng lượng điện hơn những gì những máy bay ngày nay có thể sản sinh, Lockheed Martin không thể cung cấp tia laser HELIOS như một thiết bị nâng cấp cho các tiêm kích thế thế thứ tư và thứ năm hiện nay.

Do đó, NGAD tương lai vẫn là “vật chủ” tiềm năng của công nghệ thế hệ mới này. Hơn nữa, Mỹ có kế hoạch đến những năm 2030 cho nghỉ hưu phi đội 15C/D, F-15E, A-10 và F-22, nhường đường cho một máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không mới. NGAD sẽ bay cùng F-15EX, F-35 và F-16.

Vũ khí laser của Trung Quốc

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 và F-22 Raptors của Mỹ hiện đang cạnh tranh với tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc. Quốc gia thứ ba sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm là Nga với mẫu tiêm kích Su-57.

Mỹ và Trung Quốc vẫn trong cuộc đua huy động phi đội máy bay thế hệ thứ sáu. Tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin không quân Trung Quốc đang nhắm đến việc đến năm 2035 chế tạo tiêm kích thế hệ mới cho riêng mình.

Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc. Ảnh: The EurAsian Times

Giờ đây có vẻ như cuộc đua chế tạo “máy bay chiến đấu laser” đã thành hình.

Năm ngoái, Trung Quốc mời các nhà thầu quốc phòng cung cấp thông tin về việc phát triển hệ thống laser trên không, tạp chí Popular Mechanics cho hay. Hệ thống laser khác với tiêm kích được trang bị tia laser nhưng về cơ bản là cung cấp chức năng tương tự, đó là chống lại các mối đe dọa tên lửa đang lao tới, đồng thời tấn công máy bay và lực lượng mặt đất của quân địch.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang lên kế hoạch gắn hệ thống laser trên không cho các chiến cơ nước này, chẳng hạn như J-20 hay tiêm kích J-15 hoạt động trên tàu sân bay. Điều này sẽ biến chúng thành “những cỗ máy giết người” trong tương lai.

Hệ thống laser trên không với công suất thấp có thể vô hiệu hóa hoặc bắn rơi tên lửa không đối không, trong khi tia laser công suất cao có khả năng tự phá hủy máy bay kẻ thù hoặc phòng thủ trước tên lửa đạn đạo.

Trong khi Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa phát triển những công nghệ như vậy thì Israel tháng trước đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng vũ khí laser trên không để bắn hạ máy bay không người lái thù địch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm