Trung Quốc thử nghiệm tên lửa mới cho chiến đấu cơ

Tờ China Daily, gần đây đã đăng tải một số hình ảnh trên mạng cho thấy một chiến đấu cơ J-11B mang một tên lửa kích thước lớn không xác định khi tham gia tập trận hồi năm 2016, theo Reuters.

Trong khi đó theo trang Ecns.cn, hình ảnh cho thấy một chiến đấu cơ hai động cơ J-11B đang mang một tên lửa lớn có chiều dài bằng khoảng 1/4 chiều dài của một máy bay dài 22 m. Tên lửa này được triển khai trong cuộc tập trận trên không mang tên Hồng Kiếm ở vùng sa mạc tây bắc Trung Quốc hồi tháng 11-2016.

Thời điểm đó, Không quân Trung Quốc cho biết có gần 100 máy bay cũng như các đơn vị tác chiến điện tử và phòng không tham gia vào cuộc tập trận. Hình ảnh trên được công bố sau khi các trang web quân sự Trung Quốc cuối năm ngoái công bố hình ảnh một máy bay J-16 mang một tên lửa gần như tương tự.

Các chiến đấu cơ Trung Quốc hiện sử dụng tên lửa PL-11 và PL-12 để tấn công các mục tiêu tầm xa. Tuy nhiên, tầm bắn tối đa của các tên lửa này ngắn hơn 100 km.

Trả lời báo giới, nhà nghiên cứu không quân Fu Qianshao cho rằng tên lửa này được thiết kế nhằm tấn công các mục tiêu “cao cấp” ở khoảng cách xa, thường ngoài vùng chiến, như máy bay cảnh báo sớm.

Trung Quốc thời gian gần đây đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân sự nước này. Ảnh minh họa: BB.81.CN 

Theo ông Fu, hầu hết tên lửa không đối không đang được Không quân Trung Quốc sử dụng có tầm bắn tối đa 100 km, trong khi một vài máy bay được phụ trợ có thể bắn xa 200 km. Tuy nhiên, tất cả tên lửa này không phù hợp cho việc tấn công các máy bay cảnh báo sớm do tầm bắn khá ngắn.

“Theo tôi, giải pháp tốt nhất cho khuyết điểm này chính là triển khai chiến đấu cơ siêu linh hoạt được trang bị các tên lửa tầm bắn cực xa để tiêu diệt những mục tiêu cao cấp đó. Những mục tiêu này vốn được xem là “đôi mắt” của lực lượng máy bay địch” – Fu nói.

Theo ông, việc phát triển thành công loại tên lửa trên sẽ là bước đột phá lớn trong chương trình nâng cấp của Không quân Trung Quốc. Tên lửa này có tầm bắn thực 400 km, xa hơn tên lửa được không quân các nước phương Tây sử dụng. Ông Fu cho rằng tên lửa này có thể bắn hạ cả các mục tiêu ở tầng bình lưu.

Hơn nữa, với kích thước như vậy, các tên lửa này có thể được trang bị radar dẫn đường lớn và hiện đại để giám sát các mục tiêu, đặc biệt là máy bay tàng hình và các máy bay kích thước lớn.

Tên lửa không đối không tầm xa nhất của Mỹ là tên lửa AIM-120D với tầm bắn lên tới 200 km. Trong khi đó, Nga có các tên lửa không đối không R-37 và K-100. Theo những người thiết kế, các tên lửa Nga có tầm bắn tới 400 km.

Không quân Trung Quốc vẫn chưa chính thức bình luận về loại tên lửa mới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang từng bước đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân sự của nước này, trong đó có việc chế tạo máy bay tàng hình và tàu sân bay. Bắc Kinh cũng đang thử nghiệm các tên lửa chống vệ tinh quân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm