Trung Quốc triển khai hơn 100 bệ phóng tên lửa đến khu vực biên giới giáp Ấn Độ

Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết nước này đã triển khai hơn 100 bệ phóng tên lửa tầm xa tới vùng biên giới giáp Ấn Độ, trong bối cảnh các cuộc đàm phán song phương không có nhiều tiến triển.

"Quân đội Trung Quốc đã triển khai hơn 100 tổ hợp pháo tự hành hạng nhẹ PCL-181 đặt trên xe bệ kéo dọc biên giới với Ấn Độ. Tầm bắn của loại bệ phóng do Trung Quốc phát triển này cao gấp đôi so với lựu pháo M777 của Ấn Độ" - nguồn tin cho hay.

"Những diễn biến mới nhất của các cuộc đàm phán biên giới với Ấn Độ nhắc nhở quân đội Trung Quốc cần phải cảnh giác hơn nữa khi mùa đông đang đến" - nguồn tin này nói thêm.

Theo đó, việc quân đội Trung Quốc tăng cường phòng thủ là để đối phó với việc quân đội Ấn Độ triển khai ba trung đoàn pháo M777 dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC), đồng thời chuẩn bị cho thời tiết mùa đông khắc nghiệt ở dãy Himalaya.

Tại vòng đàm phán biên giới giữa hai nước hồi đầu tháng 10, các chỉ huy quân đội của Trung Quốc đã không thuyết phục được phía Ấn Độ rút thêm quân khỏi khu vực chiến lược Depsang.

Lựu đạn pháo đặt trên tổ hợp pháo PCL-181 của quân đội Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Trung Quốc, Ấn Độ triển khai nhiều vũ khí đến khu vực biên giới

Trong những tháng gần đây, cả hai bên đều tiến hành củng cố hệ thống phòng thủ biên giới bằng các loại vũ khí tầm ngắn.

Vào tháng 9, các hãng truyền thông Ấn Độ đưa tin quân đội nước này đã sử dụng trực thăng để đưa hệ thống pháo M777 ra biên giới, trong khi các loại pháo hạng nặng khác được vận chuyển bằng đường bộ.

Về phía Trung Quốc, đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin hồi tháng 8 rằng các tổ hợp pháo PCL-181 đã được triển khai tới khu vực biên giới. Ngoài ra, quốc gia này cũng trang bị các bệ phóng tầm xa tại những khu vực có địa hình cao ở phía tây đất nước.

Trước đó, vào tháng 4, CCTV đưa tin một lữ đoàn pháo binh khác, được trang bị hệ thống pháo phản lực PCL-191 với tầm bắn xa hơn PCL-181, đã được điều đến một khu vực có độ cao hơn 5.200 m so với mực nước biển ở Tân Cương.

Chuyên gia quân sự Antony Wong Tong ở Macau nhận định Trung Quốc có lợi thế hơn so với Ấn Độ về các bệ phóng tầm ngắn và tầm xa uy lực ở khu vực biên giới.

"Về vũ khí và trang thiết bị, quân đội Trung Quốc có ưu thế vượt trội, nhưng kẻ thù thách thức nhất trong mùa đông không phải là vũ khí, mà là thời tiết" - ông Wong nói.

Hệ thống pháo M777 của lực lượng quân đội Ấn Độ. Ảnh: SCMP

Hai bên trữ đồ tiếp tế chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt

Trong bối cảnh không có giải pháp nào trước mắt và mùa đông đang tới gần, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu tích trữ đồ tiếp tế, vì khu vực này sẽ rất khó để tiếp cận trong mùa đông, theo SCMP.

Chuyên gia quân sự Zhou Chenming tại Bắc Kinh tiết lộ để có thể “nuôi quân trong tối đa 4 tháng”, Trung Quốc đã tăng cường tích trữ ngũ cốc cho mùa đông tại các trạm quan sát tiền tuyến dọc theo Đường Kiểm soát thực tế (LAC) trước khi các tuyến đường tiếp tế bị cắt vào tháng 11.

"Ưu tiên hàng đầu của các binh sĩ Trung Quốc là học cách tự sinh tồn trong mùa đông" - ông Zhou nhấn mạnh.

Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy, phó giáo sư tại ĐH Nalanda, cho biết quân đội Ấn Độ cũng đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho đợt triển khai quân vào mùa đông năm nay.

"Ấn Độ rất chú ý đến sự không tương xứng về số lượng với quân đội Trung Quốc. Vì vậy, trọng tâm của Ấn Độ là sử dụng công nghệ" - ông Rajeev nói, thêm rằng quân đội Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm trong việc thích ứng với điều kiện thời tiết mùa đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm