Quốc hội Mỹ hoãn bỏ phiếu về Syria

Đêm 10-9, Tổng thống Obama đã phát biểu với toàn dân về tình hình Syria. Theo Reuters, bài phát biểu của ông gồm các ý chính:

- Sáng kiến của Nga: Để tránh sử dụng vũ lực đối với Syria, Tổng thống Obama mong muốn để ngỏ một cơ hội ngoại giao sau khi Nga đề nghị đặt kho vũ khí hóa học Syria dưới quyền kiểm soát quốc tế.

- Quốc hội hoãn bỏ phiếu: Do Nhà Trắng thay đổi chiến lược, Tổng thống Obama đã yêu cầu Quốc hội hoãn bỏ phiếu về nghị quyết tấn công Syria.

- Nguy cơ không bị trừng phạt: Tổng thống Obama cho rằng vụ tấn công bằng chất độc hóa học ở Syria hôm 21-8 đã gây nguy hiểm cho an ninh Mỹ và nếu không đáp trả thì các chế độ độc tài sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học mà không bị trừng phạt.

Quốc hội Mỹ hoãn bỏ phiếu về Syria ảnh 1

Tổng thống Obama phát biểu với toàn dân về tình hình Syria đêm 10-9. Ảnh: New York Times

- Duy trì áp lực với Syria: Tổng thống Obama nói: “Tôi ra lệnh cho quân đội giữ vị trí hiện tại để duy trì sức ép với Tổng thống Assad và sẵn sàng phản ứng nếu ngoại giao thất bại”.

Một dự thảo nghị quyết mới đang được một nhóm nghị sĩ Thượng viện Mỹ soạn thảo. Dự thảo mới sẽ đặt ra hai thời hạn ràng buộc là ngày Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết mới về Syria và ngày đoàn thanh tra LHQ xác nhận Syria đã chuyển giao vũ khí hóa học. Nếu hai điều kiện này không hội đủ, tổng thống Mỹ có quyền phát lệnh tấn công Syria.
Đêm 10-9, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem cam kết Syria sẽ dừng sản xuất vũ khí hóa học và công bố địa điểm các kho vũ khí hóa học cũng như cho phép đoàn thanh tra LHQ tiếp cận các kho vũ khí hóa học theo Công ước cấm vũ khí hóa học. Ông cũng cho biết Syria sẵn sàng ký công ước này.

Ngày 11-9, Reuters cho biết dự thảo nghị quyết liên quan đến kiểm soát và tiêu hủy vũ khí hóa học Syria do Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đệ trình Hội đồng Bảo an LHQ gồm các điểm chính:

- Lên án chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường hôm 21-8.

- Yêu cầu Syria tuân thủ các cam kết theo luật quốc tế về vũ khí hóa học và sinh học, đặc biệt là Nghị quyết 1540 của Hội đồng Bảo an LHQ về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và Nghị định thư Geneva 1925 về cấm khí độc trong chiến tranh.

- Yêu cầu Syria phải tiêu hủy, loại bỏ hoặc giao nộp vô điều kiện vũ khí hóa học và sinh học dưới sự giám sát quốc tế.

- Trong vòng 15 ngày sau khi nghị quyết được thông qua, Syria phải nộp cho tổng thư ký LHQ một bản kê khai đầy đủ, rõ ràng về địa điểm, số lượng các vũ khí liên quan đến chương trình chiến tranh hóa học.

- Yêu cầu các thanh tra vũ khí LHQ phối hợp với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học điều tra các cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và tiếp cận ngay lập tức, không hạn chế và vô điều kiện bất cứ khu vực nào bị nghi ngờ lưu trữ vũ khí hóa học, sinh học tại Syria.

- Nếu Syria không tuân thủ nghị quyết, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt cần thiết theo chương VII của Hiến chương LHQ (trong đó bao gồm cả biện pháp can thiệp quân sự).

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố phản đối dự thảo nghị quyết của Pháp vì cho rằng dự thảo quy kết Syria phải chịu trách nhiệm vụ tấn công bằng chất độc hóa học hôm 21-8 là điều không thể chấp nhận. Ông nói Nga sẽ giới thiệu dự thảo nghị quyết riêng.

Ngày 10-9, Nhà Trắng thông báo các cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama đang tiến hành các biện pháp tăng cường an ninh nhằm ngăn ngừa các âm mưu tấn công vào người Mỹ và tài sản của Mỹ ở nước ngoài nhân kỷ niệm 12 năm ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố 11-9-2001. Cố vấn tổng thống Lisa Monaco được giao nhiệm vụ kiểm tra các biện pháp an ninh.

LÊ LINH - H.DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm