Quy định xét tàu trái UNCLOS

Ngày 8-12 (giờ địa phương), trang web của Viện phân tích và nghiên cứu quốc phòng (Ấn Độ) đã đăng bài viết của chuyên gia Sarabjeet Singh Parmar nhận định như trên.

Quy định xét tàu của Trung Quốc đưa ra sáu trường hợp áp đặt đối với tàu thuyền nước ngoài được coi là “hoạt động trái phép trong phạm vi lãnh hải tỉnh Hải Nam”:

- Dừng lại và thả neo.

- Ra vào cảng không xin phép.

- Lên các đảo.

- Phá hoại quốc phòng, sản xuất và các nơi sinh sống trên các đảo.

- Thực hiện hoạt động tuyên truyền vi phạm chủ quyền quốc gia.

- Vi phạm các luật lệ khác đe dọa đến quản lý an ninh biên giới biển.

Chuyên gia Sarabjeet Singh Parmar nhận định sáu trường hợp nêu trên tương tự Điều 19 của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Trong khi đó, Điều 21 của UNCLOS quy định các quốc gia ven biển có thể ban hành các luật lệ về việc đi qua vô hại ở lãnh hải quốc gia đó phù hợp với các quy định của UNCLOS và các quy định khác của luật pháp quốc tế.

Quy định xét tàu trái UNCLOS ảnh 1

Ba tàu cá Trung Quốc bị thu giữ neo tại cảng Incheon (Hàn Quốc). Ảnh: YONHAP

Ngày 9-12, cơ quan tuần duyên TP Incheon (Hàn Quốc) thông báo ngày 27-11 đã bắt giữ 24 ngư dân Trung Quốc đánh bắt trộm ở vùng biển Incheon và thu giữ ba tàu cá. Thông báo cho biết khi cảnh sát biển ngăn chặn hành vi đánh bắt trộm, các ngư dân Trung Quốc đã dùng các dụng cụ đánh cá và ống thép để chống trả. Bốn cảnh sát biển Hàn Quốc bị thương. Cơ quan tuần duyên TP Incheon nhấn mạnh sẽ xử phạt nghiêm ngư dân nước ngoài đánh bắt trái phép và sử dụng hung khí đe dọa.

Điều 25 của UNCLOS cũng đã khẳng định quốc gia ven biển có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa tàu thuyền nước ngoài đi qua (không vô hại) ở lãnh hải của quốc gia đó.

Dù vậy, UNCLOS quy định các quyền trên chỉ được áp dụng cho các khu vực lãnh hải được quốc tế ghi nhận thuộc chủ quyền của một quốc gia ven biển. Trong khi đó, Trung Quốc lạiban hành quy định xét tàu cho các khu vực còn tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Từ đó chuyên gia Sarabjeet Singh Parmar khẳng định quy định xét tàu của Trung Quốc làm dấy lên nghi ngại về quyền tự do hàng hải, đặc biệt là quyền đi qua vô hại của tàu bè quốc tế ở các khu vực biển còn tranh chấp và chưa được cộng đồng quốc tế công nhận.

Ông lưu ý trong thời gian vừa qua, các quy định tương tự cũng được Đại hội đại biểu nhân dân tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) áp dụng cho khu vực biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Ông cho rằng vậy nên các nước có thể không tuân theo các yêu cầu chuyển hướng tàu trái pháp luật hoặc có quyền chống lại hành động xét tàu trái phép ở các khu vực biển đang tranh chấp bởi trái với UNCLOS.

Ông nhấn mạnh tinh thần đó đã được thể hiện trong tuyên bố ngày 3-12 của Đô đốc D.K. Joshi, tư lệnh hải quân Ấn Độ, với lời khẳng định Ấn Độ sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia của Ấn Độ tại biển Đông.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm