Quyền sở hữu trí tuệ: Bảo hộ trước khi mất giống

Ngày 19-12, Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm tra và kiểm dịch của Trung Quốc đã ra thông cáo công nhận chỉ dẫn địa lý của rượu cognac Pháp. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thừa nhận chỉ dẫn địa lý của một sản phẩm nước ngoài trên lãnh thổ Trung Quốc.

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương hay quốc gia cụ thể như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, chè xanh Mộc Châu.

Bảo hộ vật nuôi và gạo

Tại Thái Lan, hồi tháng trước, tiểu ban về sở hữu trí tuệ thuộc Hạ viện thông báo đang đẩy mạnh công tác bảo hộ giống vật nuôi trong nước nhằm tránh kiện cáo sau này.

Quyền sở hữu trí tuệ: Bảo hộ trước khi mất giống ảnh 1

Giống mèo Korat của Thái Lan.

Trước mắt, Cục Bản quyền Thái Lan sẽ bảo hộ giống mèo Thái tên là Korat và kế tiếp là trâu, gà, cá chọi. Mèo Korat có nguồn gốc tại tỉnh Nakhon Ratchasima, mắt màu xanh dương, lông màu nâu.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác Thái Lan đã cho phân tích ADN giống lúa jazzman của Mỹ để kiểm tra xem có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không.

Giống lúa jazzman do Trung tâm Nông nghiệp thuộc Đại học bang Louisiana (Mỹ) lai tạo thành công hồi đầu năm. Giống này cho hạt gạo mềm và thơm như gạo đặc sản jasmine của Thái và năng suất (theo công bố của Mỹ) cao gấp bốn lần giống jasmine của Thái.

Năm ngoái, các nhà khoa học Thái Lan đã từng được Cục Sở hữu trí tuệ Mỹ cấp bản quyền cho gien tạo mùi thơm đặc trưng của giống lúa hom mali. Thái Lan nghi ngờ phương pháp tạo gien này đã bị các nhà khoa học Mỹ lạm dụng để lai tạo giống lúa jazzman.

Hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu nông dân Mỹ trồng đại trà giống lúa jazzman. Mỗi năm Thái Lan xuất sang Mỹ 400.000 tấn gạo thơm.

Tôn vinh bánh pizza Napoli

Hệ thống bảo đảm đặc trưng sản phẩm truyền thống (TSG) của châu Âu ra đời từ năm 1992, quy định các sản phẩm bảo hộ phải được sản xuất theo đúng thành phần nguyên liệu và cách thức sản xuất truyền thống nhằm bảo vệ sản phẩm không bị làm nhái. Tuy nhiên, hệ thống TSG cũng quy định sản phẩm được tôn vinh không nhất thiết phải được sản xuất, chế biến tại một vùng địa phương nhất định.

Bánh pizza ở Napoli (Ý) từ lâu đã nổi tiếng thế giới. Dân địa phương luôn đấu tranh để giữ gìn hương vị đặc trưng của sản vật quê hương. Nỗ lực của họ đã được đền đáp khi mới đây, Liên minh châu Âu quyết định đưa bánh pizza Napoli vào danh mục đặc sản phải bảo đảm các đặc trưng truyền thống.

Từ nay trở đi, các cửa hàng bán bánh pizza từ New York (Mỹ) đến Nice (Pháp) muốn gắn nhãn bánh pizza Napoli đều phải tuân thủ cách thức chế biến truyền thống.

Tại Napoli, người làm bánh pizza (pizzaiolo) chỉ sử dụng loại bột lúa mì cứng, muối biển, men tươi, pho mát mozzarella làm từ sữa trâu và nước sốt làm từ cà chua San Marzano trồng ở đồng bằng phía nam núi Vesuvius.

Thợ phải dùng tay nhào bột rồi đặt bột bánh lên phiến đá phẳng được nướng trong lò đốt bằng củi. Bánh nướng chín có vỏ bánh màu vàng và dày không quá 0,3 cm.

Người dân Napoli tự hào chiếc bánh pizza mang tính chất quốc hồn quốc túy của Ý và là biểu tượng cho cờ Ý với màu đỏ từ sốt cà chua, màu trắng từ pho mát mozzarella và màu xanh từ lá rau húng quế.

Hiện nay tại Ý ước tính có 25.000 cửa hàng bán bánh pizza, thu hút 150.000 lao động, mang lại doanh thu mỗi năm 5,3 tỉ euro.

MINH NHỰT (Theo Bangkok Post, the Nation, AFP, Telegraph)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm