'Quyết định tuần tra biển Đông tùy thuộc lãnh đạo Washington'

Tuyên bố trên đã được Đô đốc Scott Swift, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương (Mỹ), đưa ra trong một cuộc phỏng vấn hôm 22-10 giữa bối cảnh căng thẳng về các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc ở biển Đông và các báo cáo về việc Mỹ sẽ điều tàu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng phi pháp.
Ông Swift nói với hãng tin AP rằng lực lượng thủy thủ của ông có năng lực và khả năng đi vào các vùng biển nhưng ông nhấn mạnh các cuộc tuần tra sẽ củng cố luật pháp quốc tế và sẽ không nhắm vào một quốc gia cụ thể nào.

"Chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi có các nguồn lực để hỗ trợ bất cứ các quyết định chính sách nào và bất cứ cái gì mà những nhà hoạch định chính sách có thể yêu cầu chúng tôi phải làm để chứng minh quyết tâm của Mỹ liên quan đến các hoạt động mà chúng tôi tiến hành ở biển Đông" - ông Swift nói tại văn phòng của ông ở Trân Châu Cảng (Hawaii).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết Mỹ sẽ điều tàu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở biển Đông. (Ảnh Ibtimes)

Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã tăng cường bồi đắp và xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo tại biển Đông với âm mưu khẳng định các tuyên bố chủ quyền vô lý của mình. Ông nhắc lại rằng Hoa Kỳ không ủng hộ những nỗ lực cải tạo phi pháp, bất chấp quy mô của họ thế nào.
Trong một cuộc họp báo ở Boston hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cho biết Mỹ sẽ cho máy bay đi vào, điều tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật quốc tế cho biết và biển Đông là không ngoại trừ.

Tờ Navy Times hồi đầu tháng này nói rằng Hải quân Mỹ có thể sẽ sớm nhận được sự chấp thuận để điều tàu vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

 Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, Đô đốc Scott Swift. (Ảnh: Defense.gov)

Ông Swift cho biết việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo sẽ không thay đổi cách mà Hạm đội Thái Bình Dương hoạt động trong khu vực và sẽ không làm thay đổi các chiến lược mà họ đã đưa ra.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động trong không gian đó (quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp tại Trường Sa), giống như thời điểm khi các bãi đá chưa được bồi đắp và xây dựng trước đây" - ông nói.
Theo xác nhận của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear, lần cuối cùng mà Mỹ tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp là năm 2012.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm