Rác vũ trụ khổng lồ sắp rơi xuống Trái đất

Các nhà thiên văn học đã phát hiện vật thể này lao vút trong không gian. Họ cho rằng nó quá nhỏ so với một thiên thạch và đây có thể là tầng trên bị rơi ra từ một tên lửa nhân tạo đang trên đường trở về nơi xuất phát. Theo Cơ quan Không gian châu Âu (ESA), với đường kính chừng vài mét, vật thể này sẽ không gây nguy hiểm cho bất kì ai trên Trái đất.

Cơ quan này dự báo những phần của vật thể không bốc cháy khi đi vào bầu khí quyển, sẽ rơi xuống ngoài khơi cách bờ biển phía nam Sri Lanka khoảng 100 km vào ngày 13-11. Trung tâm Điều phối Vật thể gần Trái đất của ESA thông báo trên website của mình rằng “cảnh tượng sẽ vẫn rất ngoạn mục vì trong vài giây, vật thể này sẽ phát sáng giữa bầu trời buổi trưa”.

Theo ESA, các nhà quan sát đã phát hiện ra vật thể được đặt tên WT1190F vào ngày 3-10 và nhận ra nó đã được phát hiện từ trước, vào năm 2013, bởi chương trình Khảo sát bầu trời Catalina thuộc ĐH Arizona. Hiện tại các nhà thiên văn học đang rất háo hức được quan sát vật thể này khi nó đi vào bầu khí quyển Trái đất.

 Hình minh họa của NASA về rác vũ trụ đang bay quanh Trái đất. Ảnh: CNN

Chuyên gia không gian Marco Micheli của ESA cho biết đây là “cơ hội lý tưởng để kiểm tra sự chuẩn bị của chúng ta cho việc có khả năng một vật thể nào đó từ không gian đi vào bầu khí quyển trong tương lai, kể cả là một tiểu hành tinh. Đó là vì các yếu tố của viễn cảnh lần này, từ khi việc phát hiện ra vật thể cho đến tác động của nó, đều tương tự như vậy”.
Cơ quan này nhận định vật thể này nhiều khả năng là một động cơ đẩy tên lửa đã qua sử dụng dựa trên việc phân tích chuyển động của nó cho thấy nó chỉ có khoảng 10% là nước. Tỉ lệ này quá thấp để có thể là một thiên thạch tự nhiên nhưng lại phù hợp với một khung vỏ rỗng, giống tầng trên của một tên lửa đã qua sử dụng.
Nếu đây thực chất là một mảnh rác vũ trụ thì theo lời của nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell trên tạp chí Tự nhiên, đây sẽ là một “phần thất lạc trong lịch sử thám hiểm vũ trụ quay trở về ám ảnh chúng ta”. Sự kiện lần này gợi lại sự trở về của trạm không gian Skylab từng gây xôn xao giới truyền thông năm 1979. Nhiều bộ phận của trạm không gian Skylab không bốc cháy khi đi vào khí quyển Trái đất và tạo nên trận mưa rác xuống Úc.
Trước đó, vào tháng 10, một tiểu hành tinh mới được phát hiện, di chuyển với vận tốc hơn 125 km/giờ đã bay qua hành tinh chúng ta ở khoảng cách chừng 483.000 km. Được gọi vui là tiểu hành tinh Halloween, thiên thạch đó lớn gấp 15-30 lần thiên thạch đã phát nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga năm 2013 gây ra những thiệt hại và thương tích trên quy mô rộng lớn.
Về phần vật thể mới phát hiện lần này, nhiều thuyết âm mưu đã được dựng lên. Một số người hoài nghi hơn nữa thì tin rằng các cơ quan không gian định giấu giếm về cuộc sống của người ngoài hành tinh và cho rằng vật thể này thực tế là một phi thuyền của người ngoài hành tinh hoặc điều gì đó mang lại tai họa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm