Săn tin tình báo từ tập trận Trung-Nga

Cuộc tập trận hải quân chung của Trung Quốc và Nga vào tháng 9 tới là hành động thách thức phương Tây.

Tuy nhiên, các nguồn tin quốc phòng và các chuyên gia của Úc ghi nhận đây cũng là mỏ vàng thông tin tình báo về cách thức quân đội hai nước lớn phối hợp với nhau trong thực tiễn.

Ngày 1-8, Tập đoàn truyền thông Fairfax Media (Úc) dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Úc cho biết Úc có thể triển khai các phương tiện quân sự ở biển Đông để thu thập thông tin tình báo từ cuộc tập trận này.

Theo báo The Sydney Morning Herald (Úc), Bộ Quốc phòng Úc có thể triển khai tàu ngầm lớp Collins.

Cách đơn giản nhất để quan sát tập trận là dùng máy bay tuần tra P-3 Orion. Loại máy bay này vẫn thường bay trên biển Đông trong khuôn khổ chiến dịch Gateway của Úc.

Máy bay P-3 Orion của không quân hoàng gia Úc. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG ÚC

Sử dụng tàu nổi cũng là một giải pháp nhưng ít khả thi. Dù vậy, hải quân Mỹ có thể áp dụng cách quan sát công khai này.

Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách nước ngoài Úc Peter Jennings đánh giá Úc cần quan sát tập trận bằng máy bay thám sát P-3 vì có lợi cho Úc lẫn Mỹ.

Chuyên gia James Goldrick, Đô đốc hải quân hoàng gia Úc về hưu, nhận xét Nga và Trung Quốc không phải là đồng minh tự nhiên lâu dài mà lợi ích của hai nước này trùng hợp ở chỗ chống lại trật tự thế giới mà họ cho rằng do Mỹ đặt định.

Trong khi đó, theo Reuters ngày 1-8 đưa tin bốn nguồn tin thân cận với quân đội và giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết một số phần tử trong quân đội Trung Quốc đang gây sức ép để giới lãnh đạo Trung Quốc phản ứng cứng rắn hơn với phán quyết trọng tài, kể cả sử dụng vũ khí đáp trả Mỹ và các đồng minh khu vực.

Một nguồn tin từ quân đội Trung Quốc mô tả không khí trong quân đội sặc mùi hiếu chiến. Nguồn tin này nói “Mỹ sẽ làm điều Mỹ làm. Chúng tôi sẽ làm điều chúng tôi phải làm” để giữ thể diện.

Reuters đánh giá song song với cải cách quân đội nhằm cải thiện năng lực chiến đấu, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói Trung Quốc cần môi trường bên ngoài ổn định để giải quyết các vấn đề phát triển trong nước như tình hình kinh tế phát triển chậm lại.

Reuters nhận định từ nay đến khi Trung Quốc tổ chức xong hội nghị G20 vào tháng 9 sẽ không có chuyển biến nào quan trọng.

Dù vậy, với thái độ của một số phần tử hiếu chiến trong quân đội Trung Quốc, nguy cơ xảy ra khiêu khích hay hiểu nhầm trên biển Đông có thể sẽ gia tăng.

Ngày 31-7, tại buổi tiếp nhân 89 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn tuyên bố tin tưởng vào khả năng của quân đội trong đối phó với các mối đe dọa an ninh và khiêu khích.

Song ông này cũng khẳng định: “Chúng ta mong muốn hòa bình chứ không phải chiến tranh, hợp tác chứ không phải đối đầu”. Ông cam kết tiếp tục thực hiện chính sách quốc phòng phòng thủ và tăng cường tham gia các vấn đề quốc tế và khu vực.

Ông Jose Cuisia, đại sứ Philippines tại Mỹ mãn nhiệm, cho biết Mỹ đã chi 42 triệu USD viện trợ cho Philippines củng cố an ninh hàng hải. Số tiền này chiếm 84% trong 50 triệu USD Mỹ chi cho năm nước Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam trong năm nay trong khoản chi củng cố an ninh hàng hải 426 triệu USD trong năm năm. Mỹ sẽ tiếp tục chi 75 triệu USD năm 2017 và 100 triệu USD năm 2018 cho năm nước nêu trên.

_____________________________________

Cuộc tập trận chung Trung-Nga thật ra là sô diễn chính trị hơn là hợp tác quân sự thực sự. Quan hệ Nga-Trung là một cuộc hôn nhân theo kiểu dàn xếp chiến lược chỉ nhằm gây phiền nhiễu tối đa cho Mỹ và các đồng minh.

Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách nước ngoài Úc
PETER JENNINGS

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm