Sáng kiến An ninh hàng hải mới của Mỹ

Lầu Năm Góc đã bắt đầu tài trợ cho một số nước Đông Nam Á nhằm tăng cường năng lực theo dõi trên biển và trên không trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng trong khu vực.

Trang web USNI News ngày 18-4 cho biết đã có bản chi tiết Sáng kiến An ninh hàng hải Đông Nam Á thực hiện trong năm 2016. Bộ Quốc phòng Mỹ dự chi 425 triệu USD cho sáng kiến này trong năm năm.

Khoản chi năm nay gồm 50 triệu USD được cấp cho Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Thái Lan tăng cường an ninh hàng hải và nhận thức về hàng hải, đồng thời hợp tác với Brunei, Singapore và lãnh thổ Đài Loan về đào tạo và xây dựng trụ sở. Gần 85% tổng chi sẽ được cấp cho Philippines.

Đối với Philippines, Mỹ sẽ tài trợ bốn dự án.

Đầu tiên là dự án hỗ trợ trung tâm phối hợp tác chiến và hàng hải nhằm cung cấp các hệ thống cảm biến nhận dạng tự động (AIS), cải tiến mạng thông tin liên lạc, đào tạo tăng cường khâu chỉ huy và kiểm soát (C2) của quân đội, cảnh sát biển và Trung tâm Giám sát biển quốc gia của Philippines.

Hệ thống chỉ huy tác chiến không gian hải quân (SPAWAR) sẽ giám sát phần lớn dự án nhằm nâng cấp trang thiết bị cho ba tổ chức trên phối hợp tốt hơn. Dự án trị giá gần 15 triệu USD.

Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ sẽ giúp huấn luyện cho quân đội Philippines về phân tích thông tin. Công tác đánh giá sẽ diễn ra trong cuộc tập trận CARAT vào tháng 6 và tập trận SEACAT vào tháng 8.

Loại radar khí cầu Mỹ sẽ cấp cho Philippines. Ảnh: AP

Dự án thứ hai nhằm cải thiện khả năng tình báo-giám sát-theo dõi trị giá gần 18 triệu USD.

Hệ thống không lực hải quân (NAVAIR) sẽ giám sát phần lớn dự án và cung cấp một radar khí cầu phát hiện hoạt động trong 90 hải lý từ Puerto Princesa (tỉnh Palawan của Philippines).

Dự án cũng bao gồm một máy bay tuần tra biển và cung cấp thiết bị tình báo-giám sát- theo dõi trên máy bay C-130.

Trong dự án thứ ba, hệ thống hải lực hải quân (NAVSEA) sẽ giúp xác định những gì lệnh chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và máy tính cần thiết cho tàu chiến lớp Hamilton của Philippines.

Đối với Malaysia, SPAWAR sẽ cấp 1,2 triệu USD về thông tin liên lạc và mở rộng hoạt động khai thác hình ảnh của quân đội để kết nối với trung tâm chỉ huy không lực, lực lượng tác chiến và bộ chỉ huy quân đội.

Quân đội Malaysia đã yêu cầu lắp đặt hệ thống này tại bộ tư lệnh hải quân ở căn cứ hải quân Lumut và bố trí năm bộ dụng cụ di động mang theo tàu.

Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ sẽ chỉ định một cố vấn giúp quân đội Malaysia trong năm tháng.

Cố vấn Mỹ cũng sẽ giúp Malaysia mở rộng tập trận Malus Amphex thành tập trận đa phương và sẽ lên kế hoạch thêm cho các cuộc tập trận đổ bộ vào vùng Đông Sabah.

Đối với Indonesia, bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ sẽ trang bị các thiết bị di động thương mại cho phép thu thập số liệu, đánh giá, phân tích và phổ biến đến các trung tâm chỉ huy hàng hải Indonesia.

Công cụ này sẽ giúp các bộ của Indonesia tương tác cao hơn để tổng hợp dữ liệu, phân tích hình ảnh, nâng cao khả năng phản ứng trên biển, hỗ trợ cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thảm họa.

Không quân Thái Bình Dương Mỹ và vệ binh quốc gia ở Hawaii cũng sẽ tham gia phân tích thông tin, giải quyết vấn đề máy bay cánh quạt và radar phòng thủ đất đối không.

Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế), nhận xét radar khí cầu không phủ sóng đến các thực thể tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa như đá Vành Khăn cách Philippines đến 130 hải lý. Tuy nhiên, radar khí cầu sẽ cung cấp hoạt động quanh các rạn san hô quan trọng đối với ngư dân Philippines. Đã có ý kiến lo ngại Trung Quốc có thể bắt đầu tuần tra ở đây.

______________________________

1,8 triệu USD trong Sáng kiến An ninh hàng hải Đông Nam Á sẽ được cấp cho Việt Nam theo trang web USNI News của Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm