Sát ngày gặp Thủ tướng Nhật, phía Trump vẫn lặng thinh

Ngày 17-11 (giờ Mỹ) sẽ diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống đắc cử Donald Trump và lãnh đạo nước ngoài đầu tiên - Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Tuy nhiên, một ngày trước cuộc gặp, phía Nhật Bản cho biết ngoài thông tin cuộc gặp sẽ diễn ra tại New York thì vẫn chưa chắc chắn cuộc gặp sẽ diễn ra ở đâu trong New York, thành phần nào sẽ được mời. Thậm chí phía Nhật cũng không biết gọi ai phía Mỹ để có câu trả lời, Huffington Post dẫn lời một số quan chức Nhật.

Các lãnh đạo thế giới thỉnh thoảng vẫn có những cuộc gặp song phương không lên kế hoạch trước bên lề các hội nghị khu vực. Nhưng chuyện các lãnh đạo dự một cuộc gặp ngoại giao cấp cao đã được thống nhất trước đó mà không có kế hoạch cụ thể là điều bất thường, theo Huffington Post. Cuộc gặp được thống nhất từ tuần trước. Sau cuộc gặp với ông Trump, ông Abe sẽ sang Peru tham dự hội nghị APEC.

Cả các quan chức Nhật và Mỹ ngày 16-11 đều cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ không can dự vào việc lên kế hoạch cuộc gặp này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao John Kirby nói rằng theo sự hiểu biết của ông thì đội chuyển tiếp quyền lực của ông Trump không hề liên lạc với Bộ Ngoại giao cả về bàn bạc chuyển tiếp chính phủ hay tham khảo thông tin chuẩn bị cho các cuộc gặp giữa ông Trump và các lãnh đạo nước ngoài.

Các quan chức Nhật cho biết chưa được phía ông Trump xác nhận kế hoạch cụ thể cuộc gặp giữa hai ông Trump (trái) và Abe.

Các quan chức Nhật cho biết chưa được phía ông Trump xác nhận kế hoạch cụ thể cuộc gặp giữa hai ông Trump (trái) và Abe. Ảnh: PRESS TRUST OF INDIA

Huffington Post liên lạc với một số cố vấn của ông Trump nhưng đều bị từ chối bình luận về cuộc gặp giữa ông Trump với ông Abe, về sự liên lạc giữa đội chuyển tiếp quyền lực của ông Trump và Bộ Ngoại giao.

Theo các cố vấn ông Trump, ông Trump dự kiến nhân cuộc gặp với ông Abe sẽ trấn an Nhật Bản và các đồng minh châu Á vốn hoang mang từ những phát ngôn đe dọa làm suy yếu liên minh khi tranh cử của ông. Thời gian này ông Trump và các cố vấn đang bận rộn tại cao ốc Trump Tower bàn bạc hình thành nội các.

Ông Trump ngày 16-11 lên mạng Twitter chỉ trích New York Times nói rằng các lãnh đạo thế giới không thoải mái liên lạc với ông. Trên Twitter, ông Trump nêu một số lãnh đạo mà ông đã điện đàm từ sau khi đắc cử, đó là Nga, Anh, Trung Quốc, Saudi Arabia, Nhật.

“Bài viết thất bại của New York Times hoàn toàn sai về quá trình chuyển tiếp. Nó rất suôn sẻ. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều lãnh đạo thế giới” - ông Trump viết trên Twitter. Đội chuyển tiếp cho biết ông Trump và Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence đã nói chuyện với 29 lãnh đạo nước ngoài, đội chuyển tiếp của ông Trump cho biết ngày 16-11.

Trong bài viết ngày 15-11, New York Times nói các đồng minh Mỹ đang rối lên vì không biết phải liên lạc với ông Trump bằng cách nào và vào lúc nào, thậm chí gọi hú họa đến cao ốc Trump Tower hy vọng gặp được ông Trump. Theo New York Times, ông Trump không hề tham khảo thông tin từ Bộ Ngoại giao trong ứng xử với các lãnh đạo nước ngoài.

Phần lớn ông Trump vẫn theo các nguyên tắc thông thường của một tổng thống đắc cử Mỹ trong điện đàm với các lãnh đạo nước ngoài sau khi thắng cử, tuy thế vẫn có một số trường hợp ông Trump đi ngoài nguyên tắc này. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên điện đàm chúc mừng ông Trump, trước cả các đồng minh thân thiết Anh, Đức. Ông Trump đã nói với ông al-Sisi đây là “cuộc gọi quốc tế chúc mừng đầu tiên ông nhận được sau chiến thắng”.

Theo truyền thông Úc thì Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull là lãnh đạo nước ngoài thứ hai điện đàm chúc mừng ông Trump, sau khi được đại sứ Úc tại Mỹ cung cấp số điện thoại riêng của ông Trump mà ông này lấy được từ một người bạn của ông Trump. Sau đó ông Trump còn nói chuyện với lãnh đạo các đồng minh Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ… và cả Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm