Sau bầu cử Venezuela: Mỹ sẵn sàng trừng phạt

Ngày 31-7, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố bầu cử diễn ra thắng lợi. Ông khẳng định quốc hội lập hiến mới sẽ đem lại hòa bình sau bốn tháng biểu tình và bạo lực khiến hơn 120 người thiệt mạng. Tuy nhiên, các đảng đối lập cho rằng đây là cuộc bầu cử gian lận để củng cố thêm quyền lực của ông Maduro.

Chiến thắng của ông Maduro

Hội đồng Bầu cử quốc gia Venezuela (CNE) cho biết có 8,1 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu trong ngày 30-1. “Hội đồng lập hiến sẽ ngay lập tức bắt tay vào làm việc” - ông Diosdado Cabello, Phó Chủ tịch Đảng Xã hội Venezuela, cho biết. Sau cuộc bầu cử, chính phủ đã tổ chức một đại hội ăn mừng, công bố số phiếu bầu chính thức. Phát biểu trước hàng trăm người ủng hộ ở trung tâm thủ đô Caracas, Tổng thống Maduro tuyên bố: “Người dân đã bầu một quốc hội lập hiến”, đồng thời cho rằng đây là cuộc bầu cử cách mạng lớn nhất trong lịch sử 18 năm qua.

Những thành viên thuộc Đảng Xã hội đã giành được 545 ghế trong quốc hội mới. “Siêu cơ quan lập pháp” này sẽ nắm trong tay quyền sửa đổi bản hiến pháp, giải thể các tổ chức như Quốc hội hiện do phe đối lập kiểm soát và sa thải các quan chức chống đối.

Trong khi đó, phe đối lập ước tính chỉ có khoảng 2,5 triệu người bỏ phiếu và chỉ trích kết quả cuộc bầu cử. Ông Henrique Capriles, lãnh đạo phe đối lập, phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 31-7, kêu gọi một cuộc biểu tình mới: “Quốc hội lập hiến sẽ không giải quyết được bất cứ vấn đề nào của đất nước và chỉ tạo ra thêm khủng hoảng”.

Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố chiến thắng đêm 30-7 (giờ địa phương). Ảnh: AFP

Mỹ lên kế hoạch trừng phạt

Kết quả cuộc bầu cử này có thể khiến tình hình kinh tế Venezuela trầm trọng hơn nếu Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế. Mỹ là khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Venezuela. Bất cứ biện pháp trừng phạt mạnh nào của Mỹ lên ngành kinh tế chủ chốt này cũng sẽ khiến chính phủ Maduro lao đao. “Cuộc bầu cử giả dối của ông Maduro là một bước tiến tới viễn cảnh độc tài. Chúng tôi sẽ không chấp nhận một chính phủ phi pháp” - Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley viết trên Twitter.

Theo Reuters, một trong những biện pháp mạnh nhất mà Mỹ có khả năng sẽ thực hiện là cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Venezuela và ngăn chặn giao dịch của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) với hệ thống ngân hàng ở Mỹ. Washington cũng đang xem xét lại các biện pháp trừng phạt để tránh gây ảnh hưởng cho người dân Venezuela và tổn hại lợi ích kinh tế Mỹ, theo Reuters. Ngoài ra, Washington có thể ra sắc lệnh cấm bán dầu thô loại nhẹ của Mỹ cho Venezuela, vốn cần nguyên liệu này để pha loãng dầu thô loại nặng và xuất khẩu ra các thị trường khác.

Nhiều nước gồm Argentina, Canada, Colombia, Mexico, Panama, Paraguay, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ cho biết sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử của Venezuela.

Theo văn phòng trưởng công tố Venezuela, có ít nhất 10 người thiệt mạng do xung đột giữa người biểu tình và cảnh sát vào ngày 30-7. Phát biểu tại buổi họp báo sau ngày bầu cử Quốc hội lập hiến, Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Néstor Reverol đã lên án hành động “khủng bố” bằng thuốc nổ tấn công lực lượng an ninh tại thủ đô Caracas làm tám cảnh sát bị thương. Theo ông Reverol, các cơ quan chức năng đang truy tìm thủ phạm vụ khủng bố làm các cảnh sát bị thương. Ông cũng cho biết có 21 cảnh sát bị thương trên toàn quốc trong các cuộc biểu tình của phe đối lập trong ngày bầu cử nhằm phản đối việc bầu các thành viên quốc hội lập hiến.

____________________________________

780.000 thùng dầu thô và sản phẩm hóa dầu đã được Mỹ nhập về từ Venezuela mỗi ngày trong giai đoạn bốn tháng đầu năm 2017, gần 8% tổng nhập khẩu dầu của Mỹ, theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm