Shangri-La 2017: Bộ trưởng Mỹ sẽ nói về biển Đông?

Trả lời báo giới trước thềm diễn đàn an ninh khu vực, ông Mattis khẳng định bài phát biểu của ông vào ngày 3-6 sắp tới sẽ bàn luận về một “trật tự quốc tế” cần thiết cho hòa bình châu Á. Theo hãng tin Reuters, có thể “trật tự” này hàm ý đến việc kiềm tỏa chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis được kỳ vọng sẽ có bài phát biểu phá tan các lo ngại của đồng minh và đối tác châu Á về chính sách an ninh của Mỹ tại khu vực. Ảnh: Reuters

“Tại Đối thoại Shangri-La, tôi sẽ nhấn mạnh rằng nước Mỹ luôn đứng về phía các đồng minh và đối tác của mình tại châu Á-Thái Bình Dương. Bộ Quốc phòng Mỹ đang tập trung củng cố các quan hệ đồng minh, tăng cường sức mạnh để các quốc gia đối tác có thể tự duy trì an ninh cho mình, đồng thời cải thiện năng lực quân sự của Mỹ để ngăn ngừa chiến tranh nổ ra” - ông Mattis cho biết.

Hãng tin Reuters cho biết Bộ trưởng James Mattis cũng khẳng định ông sẽ đề cập đến sự cần thiết các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế. Đây có thể là hàm ý nhắm đến các hoạt động xây dựng và quân sự hóa trái phép của Bắc Kinh tại các thực thể trên biển Đông.

Tàu khu trục USS Dewey tuần qua đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn. Ảnh: Hải quân Mỹ

Trong thời gia quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tích cực kêu gọi sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Mỹ nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên. Điều này khiến một số đồng minh và đối tác của Mỹ tại Đông Nam Á lo ngại Washington sẽ để cho Bắc Kinh mặc nhiên khẳng định vị thế và sức mạnh của mình nhiều hơn nữa trong khu vực. Nhiều chuyên gia hy vọng bài phát biểu sắp tới của ông Mattis có thể phá tan bầu không khí e dè và lo lắng này.

Tuần qua, tàu khu trục USS Dewey cũng đã thực hiện sứ mệnh tuần tra tự do hàng hải đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump. Không chỉ thế, tàu chiến này còn đi vào vùng 12 hải lý xung quanh đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép. Động thái này của hải quân Mỹ đã khiến chính phủ Bắc Kinh nổi giận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm