Sốc: Hạm đội phủ đầu của Mỹ cách Triều Tiên ngàn cây số

Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), các chuyên gia nhận định những tin tức về việc các đội tàu sân bay Mỹ có thể đến bán đảo Triều Tiên và tấn công phủ đầu nước này chỉ là đòn tung hỏa mù bởi Mỹ biết rõ hậu quả mà cuộc tấn công này mang lại cho cả hai nước trong thời điểm hiện tại.

Cách xa ngàn cây số

Một tuần sau khi Mỹ công bố đội tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ rời Singapore để đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên giữa bối cảnh căng thẳng, nhóm tàu này trong thực tế lại đang di chuyển xuống vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương, qua eo biển Sunda của Indonesia để tham gia cuộc tập trận theo kế hoạch với Úc.

Theo những hình ảnh mà hải quân Mỹ vừa công bố, tàu sân bay USS Carl Vinson rời khỏi Singapore hôm 8-4 và đã đi qua eo biển Sunda hôm 15-4. Eo biển này nằm giữa các đảo Sumatra và Java của Indonesia, cách Triều Tiên đến 5.600 km.

Trước đó, hãng tin Sputnik của Nga ngày 17-4 còn đưa tin hải quân Mỹ đã điều động thêm các đội tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz tiến về vùng biển Nhật Bản để tham gia cùng đội tàu sân bay USS Carl Vinson giám sát tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, trang quân sự Defense News cho hay tàu Ronald Reagan thực tế đang được bảo trì tại Yokosuka, Nhật Bản. Trong khi đó, tàu Nimitz đang ở ngoài khơi vùng biển phía Nam bang California và dự kiến sẽ được triển khai đến vùng biển phía Tây Thái Bình Dương vào đầu năm tới.

Theo trang Defence News, các quan chức hải quân Mỹ ở bộ chỉ huy tại Trân Châu Cảng và Washington hiện chỉ xác nhận tàu USS Carl Vinson đã đi qua eo biển Sunda và từ chối bình luận về hải trình của đội tàu này. Một số quan chức thậm chí còn thắc mắc tại sao truyền thông lại đưa tin tàu USS Carl Vinson đã đến gần bán đảo Triều Tiên. “Chúng tôi không hề tuyên bố như vậy” - một quan chức Mỹ giấu tên khẳng định. Những quan chức này tuy không bác bỏ khả năng đội tàu có thể quay lại vùng biển bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới nhưng lại từ chối tiết lộ ngày, giờ cụ thể hay xác nhận những tin tức mà truyền thông Hàn Quốc đăng tải rằng đội tàu này sẽ đến bán đảo Triều Tiên vào ngày 25-4 tới.

Đội tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ trên vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Đòn tung hỏa mù?

Trong hơn một tuần qua báo chí Mỹ và quốc tế liên tục đưa tin đội tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang đến gần khu vực bán đảo Triều Tiên khiến tình hình khu vực này trở nên “căng như dây đàn”. Thêm vào đó, với việc Triều Tiên phóng tên lửa ngày 16-4, nhiều người đã lo ngại về một nguy cơ chiến tranh bùng nổ.

Hãng tin NBC News trước đó cũng khiến nhiều người lo ngại khi dẫn nguồn tin độc quyền nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ đã vào vị trí sẵn sàng thực hiện một chiến dịch đánh phủ đầu Triều Tiên nếu như Bình Nhưỡng cương quyết tiến hành thử nghiệm hạt nhân. Hãng tin này dẫn lời các quan chức tình báo tiết lộ Mỹ đã bố trí hai khu trục hạm có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào Triều Tiên, trong đó một tàu chỉ nằm cách bãi thử hạt nhân của Triều Tiên chưa đầy 500 km. Cũng theo nguồn tin của NBC News, nếu một vụ tấn công phủ đầu diễn ra, đó sẽ là một chiến dịch tấn công toàn diện với các vụ không kích bằng tên lửa và bom cùng với các hoạt động tấn công mạng và các biệt đội đặc nhiệm trên mặt đất. Chính phủ Mỹ không phủ nhận cũng không thừa nhận thông tin này, thay vào đó từ chối nhận định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích an ninh quốc tế lại cho rằng những tin tức này chỉ là một phương thức “tung hỏa mù”, bởi trong thời điểm hiện tại Washington sẽ rất khó phát động một cuộc tấn công quân sự nhắm vào Bình Nhưỡng vì nước này hiểu rõ hành động này có thể mang lại hậu quả rất lớn cho cả hai bên.

Mặc dù vậy, theo ông Lý Kiệt, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, chính sự mập mờ của Lầu Năm Góc về việc triển khai đội tàu USS Carl Vinson là một trong những nguyên nhân khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên những ngày qua leo thang đến bờ vực chiến tranh.

“Một chiến thuật rất giống với phong cách của Tổng thống Trump nhưng tôi nghĩ đó không phải là cách hay để giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vì ông Kim Jong-un sẽ không thỏa hiệp khi bị đe dọa. Ông ta muốn nhận được những lời hứa thực tế từ Mỹ, Trung Quốc và Nga” - ông Lý Kiệt nhận định.

Mỹ, Triều Tiên tiếp tục khẩu chiến

Hai nước Mỹ và Triều Tiên sau vụ Triều Tiên phóng “hụt” tên lửa lại tiếp tục có những màn khẩu chiến đe dọa tấn công nhau. Nhà Trắng ngày 17-4 cho biết Tổng thống Donald Trump sẵn sàng đưa ra hành động “quyết đoán” chống lại Triều Tiên nếu thấy thích hợp.

“Tôi nghĩ mọi người sẽ không thấy tổng thống vẽ lằn ranh đỏ trên cát nhưng hành động của ông ấy trong trường hợp Syria cho thấy khi thích hợp tổng thống sẽ quyết đoán” - phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer phát biểu tại thủ đô Washington.

Trong khi đó, phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong chuyến công du Hàn Quốc cũng cảnh báo thời kỳ kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc và Triều Tiên chớ dại dột thách thức quyết tâm của Mỹ, bởi nước này có thể tiến hành tấn công quân sự như đã từng làm với Syria và Afghanistan.

Đáp lại, quan chức Triều Tiên cũng khẳng định việc đàm phán hạt nhân là chuyện không bao giờ có thể xảy ra. “Chúng tôi sẽ thực hiện thêm nhiều cuộc thử tên lửa hằng tuần, hằng tháng và hằng năm” - ông Han Song-ryol, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, tuyên bố. Ông Han cũng nhấn mạnh nếu Mỹ có kế hoạch tấn công, Triều Tiên sẽ đáp trả lại toàn diện bằng cuộc tấn công “theo phong cách và phương pháp riêng” của nước này.

________________________

“Đó là chiến thuật đe dọa của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm buộc ông Kim Jong-un phải khuất phục trước mối đe dọa tàu sân bay Mỹ” - ông Lý Kiệt, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm