143 học giả, cựu viên chức ngoại giao đòi Trung Quốc thả người

Theo báo South China Morning Post, bức thư trên, có chữ ký của 116 học giả và 27 cựu viên chức ngoại giao từ 19 nước, kêu gọi trả tự do cho cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, vốn đã bị giam giữ suốt sáu tuần tại Trung Quốc kể từ ngày 10-12-2018.

Cả hai người đều bị buộc tội có “các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc”, trong động thái được coi là một đòn trả đũa có động cơ chính trị cho việc Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu. Giám đốc Tài chính của Tập đoàn công nghệ Huawei hôm 1-12-2018.

Những người ký bức thư cho biết họ “quan tâm sâu sắc” đến việc giam giữ hai công dân Canada, bao gồm các cựu đại sứ Trung Quốc từ Canada, Mỹ, Anh, Úc, Đức, Thụy Điển và Mexico, hai cựu phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, cùng các cựu ngoại trưởng Anh và Úc.

Trung Quốc nói Canada phải chịu trách nhiệm cho căng thẳng hiện tại giữa hai nước. Ảnh: SCMP

Bức thư cho biết ông Kovrig, cựu viên chức ngoại giao ở Bắc Kinh và là cố vấn cấp cao phụ trách khu vực Đông Bắc Á cho tổ chức tư vấn an ninh International Crisis Group, "thường xuyên và công khai gặp gỡ với các quan chức, chuyên gia nghiên cứu và học giả Trung Quốc để hiểu rõ hơn về các quan điểm của Trung Quốc về một loạt vấn đề quốc tế quan trọng”.

Ông Spavor, một doanh nhân có mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên, “đã dành thời gian của mình cho nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc, Canada, Mỹ và các nước khác, bức thư viết, đồng thời cho biết thêm rằng việc giam giữ hai người này đã gửi “một thông điệp rằng loại công việc mang tính xây dựng này không được chào đón và thậm chí đầy rủi ro ở Trung Quốc”.

“Chúng tôi, những người chia sẻ sự nhiệt tình của các ông Kovrig và Spavor trong việc xây dựng các mối quan hệ chân thực, hiệu quả và lâu dài, giờ đây phải thận trọng hơn khi đi du lịch và làm việc ở Trung Quốc cũng như tiếp xúc với các đối tác Trung Quốc của chúng tôi”, những người ký bức thư trên nói.

“Điều đó sẽ dẫn đến ít đối thoại và giảm lòng tin, làm suy yếu các nỗ lực nhằm xử lý những bất đồng và xác định điểm chung. Hậu quả là cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới sẽ trở nên tồi tệ hơn”, bức thư viết.

Trước đó, trong các phát biểu với truyền thông Canada, nhiều chính khách của nước này đã lên tiếng kêu gọi Ottawa cấm Tập đoàn công nghệ Huawei như một cách tỏ thái độ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trong cuộc tranh cãi hiện nay giữa hai nước.

Về phần mình, Trung Quốc khẳng định hai công dân Canada “phạm tội mười mươi” và đang xử lý vụ việc này đúng luật. Trong khi đó, bà Mạnh hiện đã được giới chức Canada cho phép bảo lãnh tại ngoại nhưng đang đứng trước nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc gian lận, vốn có thể khiến nữ doanh nhân này ngồi tù đến 30 năm.

Tuần trước, một tòa án Trung Quốc cũng đã kết án tử hình ông Robert Lloyd Schellenberg, một công dân Canada khác, về tội buôn lậu ma túy. Luật sư của ông Schellenberg cho biết ông sẽ kháng cáo. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã kêu gọi các đồng minh của quốc gia này thể hiện sự ủng hộ trong cuộc tranh cãi với Trung Quốc.

Câu chuyện về vụ bắt giữ ba người này sẽ tiếp tục phủ bóng quan hệ Bắc Kinh-Ottawa. Ảnh: WION

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 21-1 nói rằng Ottawa phải chịu trách nhiệm cho tình trạng xấu đi trong quan hệ Trung Quốc - Canada.

Bà kêu gọi Thủ tướng Trudeau đưa ra suy nghĩ sâu sắc về mấu chốt của vấn đề, và thực hiện các bước cụ thể để hợp tác với Trung Quốc nhằm tìm ra một giải pháp phù hợp.

Trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Ottawa Lô Sa Dã cũng đã “xỉ vả” Canada bằng những ngôn từ nặng nề, khuyến cáo chính phủ Canada ngừng tìm kiếm sự hậu thuẫn quốc tế trong cuộc tranh cãi với Bắc Kinh đồng thời dọa trả đũa nếu Ottawa cấm Tập đoàn Huawei vì lý do an ninh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm