239 nhà khoa học có bằng chứng COVID-19 lây qua không khí

Tờ The Washington Post ngày 6-7 đưa tin 239 nhà khoa học từ 32 quốc gia khác nhau đã cùng ký vào một đơn kiến nghị kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cập nhật lại quy trình hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm COVID-19 do virus SARS-CoV-2 có thể phát tán trong không khí.

Cụ thể, đơn kiến nghị khẳng định sau khi xem xét nhiều địa điểm bùng phát dịch ở nhiều nước, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng chứng minh SARS-CoV-2 lây lan qua aerosol (khí dung). Đây là những vi hạt lơ lửng trong không khí ở dạng keo có kích thước nhỏ hơn 5µm (micromet). 

Các đợt biểu tình đông người ở Mỹ khiến các chuyên gia lo ngại sẽ gia tăng khả năng tái bùng phát dịch COVID-19 ở nước này. (Ảnh chụp đợt biểu tình phản đối nạn bạo lực cảnh sát ở bang California ngày 17-6). Ảnh: AFP 

Lây nhiễm qua aerosol tức chỉ các hạt này có virus bám vào và bay trong không khí lâu hơn nhiều so với giọt bắn xuất hiện khi một người ho, nói chuyện hay hắt hơi. Người bình thường có thể bị nhiễm bệnh nếu hít phải những vi hạt có virus này. 

 The New York Times cho rằng phát hiện nói trên có thể làm thay đổi hoàn toàn cách thế giới chống dịch do các bệnh viện và cơ sở y tế chung cần phải trang bị đầy đủ khẩu trang đạt chuẩn N95 để lọc được các vi hạt này. Trong khi đó, các nơi đông người như văn phòng, trường học chung cư cần phải tăng cường thêm bộ lọc không khí mới. 

Đáng chú ý, thông tin về đường lan truyền qua khí dung của virus gây dịch COVID-19 đã xuất hiện từ tháng 2 trong một cuộc họp báo của Cục Dân sự TP Thượng Hải, Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia nước này cũng như một số nước khác sau đó lên tiếng bác bỏ thông tin này.  

Hiện WHO chưa đưa ra phản hồi chính thức về đơn kiến nghị nói trên. Tuy nhiên, một số chuyên gia làm việc cho tổ chức này đã lên tiếng phủ nhận khả năng COVID-19 lây qua khí dung. 

"Đặc biệt trong nhiều tháng qua, chúng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng chúng tôi có xem xét khả năng này (SARS-CoV-2 lây qua khí dung - PV). Tuy nhiên, vẫn không đủ bằng chứng vững chắc để chứng minh thông tin này và giới chuyên gia còn tranh cãi dữ dội" - người đứng đầu bộ phận kiểm soát bệnh truyền nhiễm của WHO Benedetta Allegranzi cho hay. 

Trong tài liệu hướng dẫn mới nhất của WHO cập nhật ngày 29-6, WHO chỉ công nhận con đường lây lan chủ yếu của virus gây dịch COVID-19 là thông qua giọt bắn khi ho, nói chuyện và hắt hơi. Nguy cơ lây nhiễm qua khí dung chỉ xuất hiện trong các quy trình y khoa đòi hỏi sản sinh các vi hạt này.

Đơn cử, theo thông tin từ trang web của Hiệp hội chăm sóc sức khoẻ đường hô hấp Mỹ (AARC), khí dung lâu nay được sử dụng làm phương pháp điều trị các bệnh về đường hô hấp. 

Bác sĩ sẽ sử dụng máy xông khí, xông thuốc dưới dạng sương mù vào mũi, họng, khí quản, phế quản của bệnh nhân. Người được điều trị khi hít vào luồng khí từ thiết bị nếu có chứa mầm bệnh virus sẽ bị lây nhiễm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm