3 rào cản khiến Mỹ, Iran không thể đối thoại

Cụ thể, ông Majid Takht-e-Ravanchi, đại diện thường trực của Iran tại Liên Hiệp Quốc đã đưa ra quan điểm của mình trong một bài viết trên tờ The Washington Post, trong đó ông nói chi tiết về những khó khăn mà Tehran gặp phải khi đối phó với Mỹ.

Theo ông Takht-e-Ravanchi, Tổng thống Trump đang bị một số nhân vật, cả trong chính phủ Mỹ và Trung Đông đẩy vào cuộc đối đầu với Iran. Ông lập luận rằng "trái với quan điểm của các cộng sự thân cận", ông Trump dường như không thực sự muốn một cuộc chiến với Iran. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng chính sách của Mỹ đối với Iran không nhất quán và gây tranh cãi, họ gặp khó khăn trong việc chọn giải pháp đe dọa hay kêu gọi đối thoại.

Đầu tiên, ông viết, người ta không thể hy vọng một sự thành công trên khía cạnh ngoại giao khi các cuộc đàm phán luôn kết hợp với "đe dọa, ép buộc và trừng phạt". Theo ông Takht-e-Ravanchi, đối thoại chân chính chỉ có thể xảy ra "nếu cả hai bên chấp nhận nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và hành động ngang bằng nhau".

Thứ hai, Iran không thể đối thoại với Mỹ, vì nước nà không hành động theo một "tiếng nói thống nhất". Trong khi một số quan chức Mỹ đang mong muốn thiết lập những cuộc đàm thoại, thì những người khác lại tích cực "phá hoại” phương án này.

Cuối cùng, uy tín về mặt ngoại giao của Mỹ đã bị tổn hại đáng kể sau khi ông Trump đột ngột rút khỏi thỏa thuận Iran năm ngoái. Theo ông Takht-e-Ravanchi, Tehran hiện không chắc những thỏa thuận khác trong tương lai có gặp phải số phận tương tự như vậy không.

Trong bài viết của mình, Takht-e-Ravanchi nhắc lại rằng Iran đã quyết định từ bỏ một số nghĩa vụ tự nguyện mà nước này tự đặt ra theo thỏa thuận Iran vì Liên minh châu Âu (EU) không cung cấp một cơ chế hiệu quả để bảo vệ Iran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mặc dù thực tế là EU đã đưa ra một Kênh Thanh toán Đặc biệt, được gọi là INSTEX, nhưng kên này vẫn đang trong giai đoạn đàm phán và bị giới hạn ở những vật dụng thiết yếu, như thực phẩm và thuốc, theo hãng tin Bloomberg.

Đầu tuần trước, Tehran đã cho EU 60 ngày để tạo ra một cách bù đắp hiệu quả cho những thiệt hại kinh tế do Washington gây ra. Nếu EU không đưa ra được giải pháp toàn diện, Tehran sẽ tăng cường việc làm giàu plutonium và sản lượng nước nặng lên bốn lần. Các quan chức Iran nhấn mạnh rằng ngay cả khi làm như vậy; Tehran vẫn giữ trong ranh giới đặt ra bởi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln đã được triển khai đến vùng Vịnh hồi đầu tháng này. Ảnh: AP 

Mỹ gần đây đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình xung quanh Iran, đưa lực lượng quân đội đến Iraq và Biển Ả Rập. Hôm 24-5, một báo cáo của Fars News trích dẫn nghị sĩ Karim al-Mohammadawi của Iraq cho rằng đã có tới 50.000 binh sĩ chiến đấu - không phải cố vấn quân sự - được trang bị các thiết bị tối tân.

Quân đội Mỹ cũng được cho là đã bắt đầu việc di chuyển các xe bọc thép từ Jordan và các hệ thống phòng không Patriot đến Iraq. Tàu sân bay USS Abraham Lincoln cũng được điều đến Biển Ả Rập. Bất chấp tất cả các động thái này, Tổng thống Trump vẫn nói rằng ông không muốn có chiến tranh với Iran và trước đó đã nỗ lực rút quân đội Mỹ khỏi các quốc gia Trung Đông khác.

Vào ngày 26-5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết sẽ không có chiến tranh, bởi vì "chúng tôi không muốn chiến tranh cũng như không có quốc gia nào có ý định hay ảo tưởng rằng có thể đối đầu với Iran". Tuy nhiên, vào cuối tuần này, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết nước ông sẽ tự vệ nếu cần thiết và sẽ không đầu hàng ngay cả khi bị ném bom.

Theo thỏa thuận Iran – tên chính thức là JCPOA - Iran có nghĩa vụ phải giảm đáng kể việc làm giàu kho dự trữ uranium, sản xuất nước nặng, và đóng hầu hết các cơ sở làm giàu uranium. Đổi lại, Iran đã được miễn giảm các lệnh trừng phạt liên quan đến hạt nhân của Mỹ, EU và Liên Hiệp Quốc.

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, Iran và các bên tham gia khác cam kết duy trì thỏa thuận, nhưng đến nay thỏa thuận vẫn chưa chứng minh được tính hiệu quả của nó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm