Ấn Độ phủ nhận tin đồn nhà máy điện hạt nhân bị tấn công mạng

Cơ quan nhà nước điều hành nhà máy điện hạt nhân của Ấn Độ đã bác bỏ tin đồn nhà máy này đã bị một nhóm tin tặc từ Triều Tiên tấn công bằng phần mềm độc hại, làm tê liệt hoạt động của lò phản ứng hạt nhân.

"Bất kỳ cuộc tấn công mạng nào nhắm vào Hệ thống Kiểm soát điện hạt nhân Quốc gia là bất khả thi" - nhân viên truyền thông của Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam (KNPP) cho biết hôm 29-10. 

Nhà máy điện hạt nhân Kudankulam ở bang miền nam Tamil Nadu. Ảnh: REUTERS

Nhân viên này cho biết thêm: Các hệ thống quan trọng ở KNPP cũng như các nhà máy điện hạt nhân khác đều "được vận hành độc lập và không kết nối với hệ thống mạng bên ngoài và mạng Internet", do đó về nguyên tắc, các lò phản ứng của KNPP đều hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, tuyên bố trên cũng đặt ra nhiều câu hỏi khi nhiều người cho rằng nó không xác nhận, cũng không phủ nhận việc các hệ thống thứ cấp ít quan trọng hơn có bị tấn công hay không.

Chuyên gia an ninh mạng Pukhraj Singh ám chỉ việc đã có một vụ tấn công vào "hệ thống điều khiển mạng" của nhà máy điện hạt nhân. Nhưng sau đó, người này đã đính chính rằng đó chỉ là một vụ tấn công nhỏ nhắm vào "máy chủ quản lý" với ít tác động hơn.

Một vụ tấn công ở cấp độ "máy chủ quản lý" có thể tác động đến các hộp thư điện tử có liên hệ với nhà máy điện hạt nhân, chứ không thể ảnh hưởng tới các lò phản ứng và các thiết bị nhạy cảm của chúng.

Cựu nhân viên tại Tổ chức Nghiên cứu kỹ thuật Quốc gia - chuyên gia Singh cho biết ông chưa bao giờ đưa ra nhận định về nguồn gốc vụ tấn công, vì các vụ "tấn công cờ giả" rất dễ xảy ra.

Tin đồn được lan truyền trên truyền thông Ấn Độ sau khi ông Singh viết trên Twitter rằng "những mục tiêu chính yếu đã bị tấn công". Ông đã mô tả nó là một "casus belli", một vụ việc có khả năng dẫn đến chiến tranh, nhắm vào không gian mạng của Ấn Độ.

"Các quan chức Ấn Độ đã nhận thức được khả năng vụ tấn công có thể xảy ra, ít nhất là từ đầu tháng 9" - ông Singh nói. Ông còn dẫn báo cáo của VirusTotal - một cơ quan độc lập chuyên theo dõi các vụ tấn công mạng cho rằng Dtrack, một dạng phần mềm độc hại được cho là xuất phát từ CHDCND Triều Tiên, đã tấn công một số mục tiêu ở Ấn Độ.

Báo cáo được trích dẫn phù hợp với các kết quả điều tra trước đó do công ty an ninh mạng Nga Kaspersky thực hiện, cho biết Dtrack đã tấn công vào "các thể chế tài chính và các trung tâm nghiên cứu" ở Ấn Độ.

Từ khi bắt đầu điều hành trực tuyến các lò phản ứng hạt nhân từ năm 2013, KNPP đã phải ngừng hoạt động khoảng 70 lần, trong đó có lần dừng hoạt động hồi giữa tháng 10 do lỗi ở hệ thống hơi nước.

Trong khi một số chuyên gia cho rằng các vụ việc này có thể liên quan đến các vụ tấn công mạng, KNPP phủ nhận nhận định trên và cho biết các vấn đề đã được giải quyết ngay sau đó. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm