ASEAN nhất trí chỉ định đặc phái viên về Myanmar

Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông báo chính thức chỉ định Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei - ông Erywan Yusof làm đặc phái viên về Myanmar, hãng tin Reuters cho hay.

Theo thông cáo của ASEAN hôm 4-8, ông Erywan được giao nhiệm vụ tìm giải pháp chấm dứt bạo lực ở Myanmar, mở ra cơ hội đối thoại giữa chính quyền quân sự và các lực lượng đối lập.

Nhà ngoại giao Brunei cũng sẽ giám sát hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Myanmar, song chưa có thông tin chi tiết về các gói hỗ trợ này. Các bộ trưởng ngoại giao đã kêu gọi Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo của ASEAN bắt đầu xây dựng “hướng dẫn chính sách” cho hoạt động nhân đạo ở Myanmar. 

Bộ trưởng thứ hai Bộ Ngoại giao Brunei - ông Erywan Yusof. Ảnh: REUTERS

Trước đó, các bộ trưởng ngoại giao của 10 quốc gia ASEAN đã nhóm họp trực tuyến hôm 2-8, song chưa thể đưa ra quyết định sau cùng do còn một số bất đồng. Ngày 4-8, các bộ trưởng tiếp tục tham gia một phiên họp đột xuất và đi đến quyết định chỉ định ông Erywan.

Hồi đầu tháng 6, ông Erywan - với vai trò Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN - đã cùng Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi tới Naypyidaw để gặp chính quyền quân sự Myanmar.

Trong một tuyên bố độc lập hôm 4-8, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết đặc phái viên của ASEAN sẽ sớm bắt đầu nhiệm vụ và có “toàn quyền tiếp cận với tất cả các bên” ở Myanmar.

Hai nguồn thạo tin tại ASEAN tiết lộ với Reuters rằng các nước thành viên đòi hỏi Myanmar cho phép các lực lượng cứu trợ nhân đạo tiếp cận mọi khu vực cần sự hỗ trợ nhưng đại diện của chính quyền quân sự ở Naypyidaw đã từ chối yêu cầu này.

Bất ổn xảy ra ở Myanmar sau khi các lãnh đạo dân sự bị bắt giữ hôm 1-2 vì liên quan tới cáo buộc gian lận bầu cử. Quân đội Myanmar đã lập ra một chính quyền mới và áp lệnh tình trạng khẩn cấp trong cả nước.

Hôm 1-8, lãnh đạo quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing thông báo ông được bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng. Ông Min Aung Hlaing nhắc lại lời cam kết tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2023 và tuyên bố sẵn sàng hợp tác với bất kỳ đặc phái viên nào do ASEAN cử đến.

Trong nửa năm qua, các cuộc biểu tình vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên khắp Myanmar, trong khi giao tranh giữa lực lượng chính phủ và các nhóm nổi dậy vũ trang gia tăng ở các vùng biên giới. Nhiều nước phương Tây và một số thành viên ASEAN phản đối động thái của quân đội Myanmar. Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) đã trừng phạt chính quyền quân sự Myanmar.

Trong các cuộc họp của ASEAN, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã đặt câu hỏi về tính chính danh của chính quyền Thống tướng Min Aung Hlaing. Theo tuyên bố riêng của Bộ Ngoại giao Indonesia, từ ngữ trong thông cáo của ASEAN đã được điều chỉnh để văn kiện này “không thể được nhìn nhận như sự thừa nhận chính quyền quân sự (Myanmar)”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm