Bà Pelosi nói sẽ không để yên cho ông Trump cắt tiền WHO

Ngày 15-4, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), báo South China Morning Post đưa tin.

Bà Pelosi cho rằng "lệnh của tổng thống tạm dừng tài trợ cho WHO khi nó đang lãnh đạo toàn cầu chống đại dịch COVID-19 là một điều vô nghĩa. Quyết định này nguy hiểm, bất hợp pháp và sẽ ngay lập tức bị thách thức".

Viết trên Twitter cá nhân sau quyết định của Tổng thống Mỹ, bà Pelosi mô tả ông Trump là "một người yếu đuối, một lãnh đạo kém cỏi, không chịu trách nhiệm - một người yếu đuối hay đổ lỗi cho người khác". 

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: REUTERS

Bà Pelosi khẳng định "chúng ta chỉ có thể chiến thắng đại dịch toàn cầu này thông qua một phản ứng quốc tế chung liên quan đến khoa học và dữ liệu".

"Nhưng thật đáng buồn, tổng thống đã phớt lờ các chuyên gia y tế toàn cầu, coi thường khoa học và làm xói mòn nỗ lực của các anh hùng đang chiến đấu ở tuyến đầu, tạo ra nguy cơ lớn đối với cuộc sống và sinh kế của người dân Mỹ và người dân toàn thế giới", bà Pelosi nói tiếp.

Trước đó, ngày 14-4, Tổng thống Trump yêu cầu WHO "phải chịu trách nhiệm" trước các cáo buộc giúp Trung Quốc che đậy thông tin dịch bệnh và phản ứng chậm trễ trước đại dịch. Ông Trump cũng nói Mỹ quyết định tạm ngưng tài trợ cho WHO, trong thời gian xem xét, đánh giá cách thức và hiệu quả hoạt động của tổ chức này.

Mỹ là nước tài trợ nhiều nhất cho các hoạt động của WHO. Theo Tổng thống Trump, trung bình mỗi năm Mỹ đóng góp 400-500 triệu USD (9,38-11,72 nghìn tỉ đồng) cho WHO, trong khi khoản đóng góp của Trung Quốc chỉ là 40 triệu USD (937,7 tỉ đồng). 

Theo lệnh ông Trump, Mỹ sẽ không tiếp tục tài trợ cho WHO và trực tiếp hỗ trợ cho những khu vực "cần khoản tiền đó nhất". Trong thời gian 60-90 ngày, chính quyền Mỹ điều tra lại cách phản ứng của WHO, từ đó đưa ra quyết định tiếp theo.

Tuy nhiên, theo đạo luật ngân sách năm 1974 của Quốc hội Mỹ, tổng thống có thể hủy bỏ một khoản hỗ trợ quốc tế nhất định trong vòng nhiều nhất 45 ngày. Trước đó, tổng thống phải gửi "một thông báo đặc biệt cho Quốc hội xác định số tiền hỗ trợ được đề xuất hủy bỏ, lý do hủy bỏ và các tác động của quyết định hủy bỏ này đến ngân sách, kinh tế và chương trình hỗ trợ".

Việc hủy bỏ tài trợ vượt quá 45 ngày cần phải được Quốc hội thông qua bằng một đạo luật. Như vậy, quyết định hôm 14-4 của ông Trump cần có sự đồng ý của Quốc hội Mỹ. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh: GLOBAL TIMES

Không chỉ trong chính giới Mỹ, cộng đồng khoa học và các chính khách trên toàn cầu đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Mỹ thực hiện nghĩa vụ của mình với WHO. Ông Triệu cũng cho rằng quyết định của ông Trump sẽ tác động đến tất cả các nước trên khắp thế giới, theo hãng tin Reuters.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas viết trên Twitter rằng: "Đỗ lỗi không giúp ích gì. Virus không biết biên giới. Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ để chống lại COVID-19". Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các khoản hỗ trợ cho WHO trong cuộc đua bào chế vaccine ngừa COVID-19.

Còn theo South China Morning Post, đại diện Cao ủy Liên minh châu Âu về đối ngoại - ông Josep Borrell Fontelles cho rằng "không có lý do nào để biện minh cho động thái (của ông Trump - PV) ngay trong lúc này, khi cần hơn bao giờ hết những nỗ lực của chúng ta".

Chuyên gia dịch tễ học Joseph Lewnard thuộc ĐH California Berkeley (Mỹ) cho rằng cách Mỹ đang hành xử trong đại dịch lần này "theo một cách không thể khắc phục được, sẽ làm tổn hại vị thế của Mỹ như là một đối tác đáng tin cậy của cộng đồng thế giới".

Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ - BS Patrice Harris gọi quyết định của ông Trump là "một bước đi nguy hiểm, sai hướng và có thể khiến thế giới dễ thất bại trước COVID-19 hơn", theo Reuters.

Theo chuyên trang thống kê Worldometer, Mỹ vẫn đang là ổ dịch lớn nhất thế giới với gần 644.350 ca nhiễm (30,75% số ca nhiễm toàn cầu) và hơn 28.550 người chết vì COVID-19 (hơn 21% số ca tử vong toàn cầu).

Toàn thế giới có gần 2.094.900 ca nhiễm và 135.564 trường hợp đã tử vong, trong khi số người được chữa khỏi là gần 521.000 người. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm