Bênh Belarus, Nga cấm cửa 2 hãng hàng không châu Âu

Ít nhất hai hãng hàng không của châu Âu buộc phải hủy các chuyến bay cất-hạ cánh tại Nga sau khi hành trình bay bị thay đổi - không còn đi vào không phận Belarus - mà không được giới chức Moscow đồng ý, đài CNN đưa tin.

Ngày 24-5, Hội đồng châu Âu đã kêu gọi tất cả các hãng hàng không của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) "tránh bay qua Belarus" sau khi một chuyến bay của hãng Ryanair (Ireland) bị cưỡng chế hạ cánh hôm 23-5.

Ngày 27-5, hãng hàng không Austrian Airlines (Áo) thông báo hủy các chuyến bay từ thủ đô Vienne tới tỉnh Moscow (Nga) sau khi hãng này điều chỉnh hành trình để không bay qua không phận Belarus.

"Việc thay đổi đường bay phải được sự chấp thuận của nhà chức trách. Các nhà chức trách Nga đã không cấp cho chúng tôi giấy phép như vậy. Kết quả là Austrian Airlines đã phải hủy chuyến bay hôm nay (ngày 27-5) từ Vienna đến Moscow" - hãng hàng không giải thích. 

Ảnh minh họa - Một chiếc máy bay của hãng hàng không Austrian Airlines đậu tại sân bay Domodedovo (Moscow, Nga). Ảnh: AIRPLANE PICTURES

Trước đó, hãng hàng không Air France (Pháp) hôm 26-5 cũng thông báo hủy các chuyến bay cất và hạ cánh tại Nga với lý do tương tự.

Nguyên nhân gây ra các căng thẳng như hiện nay trong ngành hàng không châu Âu là vụ việc chuyến bay FR4978 của hãng Ryanair đang trên đường từ TP Athens (Hy Lạp) tới TP Vilnius (Lithuania) thì buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại thủ đô Minsk của Belarus.

Belarus nói rằng máy bay buộc phải hạ cánh do giới chức nước này nhận được thông tin nghi có bom trên chuyến bay - điều mà sau đó được xác nhận là cảnh báo giả.

Khi máy bay nằm tại sân bay quốc tế Minsk, lực lượng an ninh Belarus đã bắt hai hành khách là ông Roman Protasevich và bạn gái. Châu Âu và Mỹ cáo buộc Belarus cố tình chặn chuyến bay FR4978, buộc hạ cánh chỉ để bắt giữ hai công dân Belarus kể trên.

Ông Protasevich là đồng sáng lập một kênh truyền thông trên mạng xã hội Telegram với các nội dung chỉ trích Tổng thống Alexander Lukashenko và chính quyền Minsk. Tuy nhiên, tài khoản này bị giới chức Belarus coi là "cực đoan" còn bản thân ông Protasevich bị liệt vào danh sách các phần tử có liên hệ với khủng bố. Trước khi bị bắt hôm 23-5, ông Protasevich đã sống lưu vong ở Lithuania trong một thời gian dài và bị giới chức Minsk truy tố, phát yêu cầu dẫn độ. 

Các ngoại trưởng EU bàn trừng phạt, nhắm vào mặt hàng kali

Theo hãng tin Reuters, các ngoại trưởng 27 nước thành viên EU trong ngày 27-5 sẽ bắt đầu thảo luận các biện pháp trừng phạt nền kinh tế Belarus vì vụ bắt giữ ông Protasevich.

Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn đề xuất mặt hàng kali xuất khẩu của Belarus có thể trở thành mục tiêu bị trừng phạt. Belarus là quốc gia sản xuất kali - mặt hàng được dùng nhiều để sản xuất phân bón - lớn thứ hai thế giới.

Trước khi họp cùng các ngoại trưởng của 26 nước EU còn lại tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết EU sẽ "không hài lòng với các biện pháp trừng phạt nhỏ", cảnh báo sẽ áp đặt "thêm các vòng trừng phạt nữa" nhắm vào "cấu trúc kinh tế và các giao dịch tài chính ở Belarus".

Tuy nhiên, "điều quan trọng là phải thảo luận về chủ đề này với Nga vì chúng ta đều biết rằng nếu không có Nga và không có sự hỗ trợ của Nga thì Lukashenko không có tương lai ở Belarus" - ông Maas lưu ý.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab hôm 24-5 ám chỉ Nga đứng đằng sau vụ bắt giữ ông Protasevich, ít nhất là đã đồng ý cho Belarus hành động. Nga bác bỏ cáo buộc này và gọi việc đổ lỗi cho Moscow xuất phát từ tâm lý bài Nga đang "ám ảnh" phương Tây.

Tổng thống Belarus Lukashenko ngày 26-5 nói với các nhà lập pháp nước này rằng việc yêu cầu chuyến bay FR4978 chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp là hợp pháp. Ông Lukashenko còn cáo buộc phương Tây đang tổ chức một cuộc chiến tranh hỗn hợp chống lại chính quyền Minsk. 

 Không chỉ kêu gọi các hãng hàng không châu Âu không bay qua Belarus và trừng phạt chính quyền Minsk về kinh tế, Hội đồng châu Âu hôm 24-5 còn kêu gọi các bộ trưởng của 27 nước EU cấm các máy bay Belarus tiếp cận không phận và các sân bay của các nước thành viên trong khối.

Do không được phép tiếp cận không phận các nước EU, hãng hàng không quốc gia Belivia của Belarus đã tạm hủy các chuyến bay tới các thành phố Amsterdam (Hà Lan), Berlin, Frankfurt, Hannover và Munich (Đức), Barcelona (Tây Ban Nha), Brussels (Bỉ), Milan và Rome (Ý), Vienna (Áo) và Warsaw (Ba Lan). Các chuyến bay từ Belarus tới vùng lãnh thổ Kalinigrad (Nga) cũng bị hủy do hành trình bay buộc phải qua không phận của một trong hai nước EU là Ba Lan hoặc Lithuania.

      

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm